Đó là gia đình bà Tạ Thị Chuyên, xóm 2, xã Khánh Thủy (Yên Khánh) có chồng và 2 con là nạn nhân chất độc da cam, con trai đầu Đỗ Văn Ninh, sinh năm 1981 bị thần kinh, không tự chủ hành vi, con trai thứ 2 Đỗ Văn Thi, sinh năm 1990 cũng mắc căn bệnh tương tự.
Suốt 40 năm qua, 2 người con của bà Chuyên chỉ nhìn, nghe thấy mẹ, nhưng không gọi được. Từ ngày chồng mất là lúc bệnh tình của các con trở nặng. Ban đầu các con chỉ kêu khóc, rồi dần đập phá đồ đạc. Bà cũng chẳng nhớ đã biết bao đêm phải thức trắng trông con. "Lắm hôm, một hai giờ đêm tỉnh giấc, không thấy con, tôi hốt hoảng mang đèn pin soi hết ao này đến ao khác mới lôi được cháu lên bờ", bà Chuyên kể lại.
Trong hàng chục năm qua, gần như năm nào bà Chuyên cũng đi các bệnh viện lần lượt chăm chồng, con. Nén nỗi đau, bà gắng gượng vượt qua tất cả để làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ và vai trò trụ cột, chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình.
Bà Chuyên tâm sự: Những thứ có giá trị trong nhà hoặc làm thêm được gì tôi đem bán hết để chăm lo, chạy chữa bệnh cho con. Dù sống trong khó khăn song bà Chuyên chưa một lời than vãn, bởi với bà chỉ cần được ở bên cạnh các con, còn khỏe mạnh để chăm lo cho gia đình cũng như sự chia sẻ của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam và cộng đồng là nguồn động lực lớn nhất để bà vượt qua khó khăn. Với sự hy sinh thầm lặng, bà Chuyên nhiều lần được ghi nhận, biểu dương là tấm gương điển hình trong chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.
Một ngày mới bắt đầu với bà Phạm Thị Lành, xóm 1 xã Khánh Mậu (Yên Khánh) bằng việc thức dậy từ 4 giờ sáng nấu nồi cháo cho người con trai Lê Văn Thiện. Anh Thiện bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha nên hình hài chỉ như đứa trẻ 5 - 6 tuổi. Trong khi trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt bà Lành vẫn không quên quan sát con. Khi thì bà vặn bớt âm lượng của chiếc ti vi, khi lại vỗ về an ủi để con bớt huơ chân, tay và la hét. Bà nói: "Thiện thích nghe tiếng nhạc. Khi tôi bật ti vi thì con cũng bớt quậy phá".
Lấy chồng sớm, hai người con đầu đều bình thường, nhưng đến con trai thứ 3 sinh năm 1993, được hơn 1 tháng tuổi thì bắt đầu đau ốm, dần dần chân tay co quắp, teo lại, thiểu năng trí tuệ và liệt. Lúc này vợ chồng bà Lành mới biết con mình bị di chứng chất độc da cam.
Chồng mất do tai biến, nhiều năm nay, bà Lành một mình gồng gánh chăm sóc cho đứa con tật nguyền gần 30 tuổi nhưng lúc nào cũng như một đứa trẻ lên 2. Bà Lành chia sẻ, chăm sóc 1 đứa trẻ tật nguyền bằng chăm sóc 3 đứa trẻ bình thường. Do ảnh hưởng của chất độc da cam, ngày còn nhỏ mỗi lần con sốt là bị co giật, khiến bà vô cùng lo sợ. Nhiều đêm, bà Lành phải thức trắng. Đến bây giờ, dù con trai út của bà đã 28 tuổi, nhưng bà vẫn phải chăm sóc như 1 đứa trẻ.
Ròng rã, kiên trì đưa con đi chữa bệnh khắp nơi nhưng không có tiến triển, đến khi gia đình không còn đủ sức lực và kinh tế, vợ chồng bà đành chấp nhận để con sống tật nguyền, dị dạng. Nhìn người con trai nhỏ nhắn, chân tay co quắp, miệng méo xệch, trí tuệ không được như người bình thường khiến ai gặp cũng không khỏi đau lòng.
Hằng chục năm qua, một mình bà Lành vẫn ngày ngày tần tảo làm ruộng, trồng trọt, chăn nuôi lo kinh tế cho cả gia đình. "Khoản trợ cấp nạn nhân chất độc da cam của chồng và con cũng không được bao nhiêu. Bây giờ kinh tế của gia đình rất khó khăn nên tôi còn khỏe, cố gắng được tí nào hay tí đó", bà Lành chia sẻ.
Thời gian trôi qua, không thể nói hết nỗi vất vả, buồn đau của bà khi hàng ngày nhìn đứa con mình sinh ra, lớn lên trong bệnh tật và sức khỏe của bà ngày càng giảm sút. "Bây giờ tuổi đã cao lại hay đau ốm, chẳng biết là sẽ sống được bao lâu để nuôi con. Khi tôi mất đi, ai sẽ chăm sóc con hằng ngày". Đó là nỗi niềm mà bà Lành ngày đêm trăn trở.
Hai người phụ nữ kể trên chỉ là phần nhỏ trong số hàng nghìn người vợ, người mẹ đang hàng ngày gồng mình chăm sóc chồng, con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Theo ông Tạ Quang Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh: Đối với người phụ nữ bình thường hoàn thành vai trò người vợ, người mẹ đã khá vất vả. Với những người phụ nữ là vợ, mẹ nạn nhân nhiễm chất độc da cam, thiên chức ấy càng khó khăn gấp bội. Để tri ân sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ ấy, hằng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đều tổ chức hoạt động giúp đỡ, động viên các gia đình nạn nhân, khen thưởng, tôn vinh những người phụ nữ có thành tích chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam...
Còn rất nhiều những tấm gương sáng về đức hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ đã dành hết sức lực, tình thương vô bờ bến suốt nhiều thập kỷ qua để âm thầm chăm sóc chồng, con không một lời ca thán. Họ vừa làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ, vừa là tấm gương trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam.
Những tấm gương, mảnh đời ấy rất cần sự hỗ trợ, quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng để tiếp thêm động lực, niềm tin cuộc sống, là chỗ dựa tin cậy để những nạn nhân tiếp tục vượt qua nỗi đau da cam.
Bài, ảnh: Mạnh Tuấn