Những năm trước đây, mỗi doanh nghiệp chỉ sản xuất ra một loại sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu cho mình. Nhưng, hiện nay phần đa các doanh nghiệp đều đi theo hướng đa dạng hóa các loại sản phẩm, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp kết hợp với dịch vụ, du lịch; hoạt động thương mại với kinh doanh bất động sản; sản xuất với chế biến và tiêu thụ…
Sau gần 30 năm đổi mới, mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp trong toàn quốc như "trăm hoa đua nở" và đội ngũ các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước ngày càng đông đảo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế: Cà phê, gạo, hạt điều, may mặc, điện tử... với chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao trên thương trường.
Với các doanh nghiệp trong tỉnh, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã chế tạo thành công các loại cẩu, trong đó có cẩu chân đế 180 tấn được tặng Cúp vàng tại hội chợ TECHMART ASEAN +3, thay thế hoàn toàn loại sản phẩm này trước đây phải nhập ngoại.
Nhiều cơ sở cơ khí và người nông dân đã tự tìm tòi chế tạo ra máy bơm nước, máy tuốt lúa, máy gặt, máy bóc vỏ lạc, máy cắt cỏ…phù hợp với điều kiện của tỉnh, tiêu biểu là máy "Bơm vô ống" của ông Đỗ Xuân Trường (phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp) đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN Việt Nam) cấp bằng độc quyền sáng tạo.
Đến nay loại máy bơm này đã được sử dụng rộng rãi ở các vùng quê trong và ngoài tỉnh, riêng Ninh Bình có tới gần 100 trạm "Bơm vô ống" nằm chủ yếu ở các huyện Yên Mô, Kim Sơn, Yên Khánh, Hoa Lư.
Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình đưa hàng về tận vùng nông thôn, tổ chức hội thảo giới thiệu về sản phẩm, có cơ chế chính sách bán hàng linh hoạt, phù hợp ( bán trả chậm, trả góp, ký gửi…) nên thị phần hàng hóa của Công ty chiếm tỷ lệ cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao với các sản phẩm nông nghiệp và đồ uống từ quả, trái cây...trước đây chủ yếu xuất khẩu nhưng những năm gần đây đã chú trọng đến thị trường nội địa thông qua các đại lý cùng nhân viên bán hàng và sản phẩm đã có mặt ở các vùng, miền không chỉ ở trong tỉnh mà ở cả các tỉnh khác được nhân dân ưa dùng, nhất là các loại đồ uống: Nước dứa, lạc tiên, vải thiều, bí đao…
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta và tỉnh ta còn nhiều yếu kém, bất cập; Sự cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra nói riêng còn thấp; tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu trong cùng một sản phẩm hàng hóa cao hơn so với các nước khác; hàm lượng trí tuệ và công nghệ trong sản phẩm thấp; thị trường nội địa có tiềm năng rộng lớn lại chưa được quan tâm khai thác…Rõ ràng, đây là vấn đề mà trước hết phải từ doanh nghiệp ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp cần tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội. Điều quan trọng hơn là phải đổi mới công nghệ, áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất, cải tiến mẫu mã hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm…nhằm hướng đến mục tiêu sản phẩm có chất lượng, bền, đẹp; thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa của mình và cho quốc gia.
Trong thời kỳ hội nhập hơn lúc nào hết, mỗi người dân Việt Nam cần có ý thức trong tiêu dùng cá nhân, sử dụng hàng hóa Việt Nam và coi đó là thể hiện lòng yêu nước; Các tập đoàn, công ty, nhà máy, xí nghiệp; HTX, tổ hợp tác; người sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình…sử dụng trang thiết bị, máy móc, nguyên nhiên, vật liệu nội địa có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất, kinh doanh và hoạt động dịch vụ.
Mặt khác, để cuộc vận động đạt hiệu quả cao thì công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, thuyết phục phải đi trước một bước, làm cho mọi người nhận thức đúng về khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm sản xuất ra để người tiêu dùng sử dụng một cách tự giác.
Đinh Chúc