Chia sẻ về căn nguyên khiến mình tự "ôm" cái vất vả và tốn kém vào mình, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên trường Tiểu học Thạch Bình cho biết: Hình ảnh tác động mạnh và gây xúc động cho tôi đến tận hôm nay, là cách đây khoảng 6 năm, sau khi dạy nốt tiết học cuối chuẩn bị về nhà, tôi bắt gặp hình ảnh một học sinh khá nhỏ bé so với lứa tuổi. Em ngồi dưới gốc cây bàng dưới cái nắng gắt gao buổi trưa mùa hè, một tay cầm nắm cơm trắng gói trong túi bóng, một tay cấu từng miếng cho vào miệng. Bữa trưa của em ấy chỉ có vậy, cơm không vừa nguội ngắt vừa thiếu chất và hình ảnh cô đơn, tội nghiệp của em ấy đã thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó giúp các em học sinh nhà nghèo, ở xa có được bữa trưa no, đủ chất, đảm bảo sức khỏe, tình yêu thương để học tập tốt hơn.
Nghĩ là làm, cô giáo Hạnh Nguyên về bàn với chồng là anh Nguyễn Ngọc Dương, vốn là một người lính đã xuất ngũ về địa phương, được anh đồng tình ủng hộ và dành phần lương của mình cho việc làm ý nghĩa của vợ. Vậy là đều đặn gần 6 năm nay, vợ chồng cô giáo Hạnh Nguyên dành số tiền lương của chồng mỗi tháng gần chục triệu đồng để mua gạo, thức ăn, phụ giúp nhau nấu bữa trưa miễn phí cho trên 20 học sinh nghèo, ở xa của trường Tiểu học và THCS trên địa bàn xã Thạch Bình. Hai năm đầu mới bắt đầu thực hiện thì có 4-5 cháu, nhưng từ năm thứ 3 trở đi, luôn có từ gần đến trên 20 học sinh của hai trường học trên địa bàn được cô Hạnh Nguyên nấu cơm cho ăn.
Em Bùi Văn Thạo, học sinh lớp 8B, trường THCS Thạch Bình chia sẻ, nhà cháu cách trường gần chục km, buổi sáng cháu phải đạp xe đi học từ lúc 5h30, đi qua quãng đường đồi núi rất vất vả, buổi trưa nếu phải đạp xe về nhà ăn cơm xong đi học chiều thì không kịp giờ và rất là mệt. Rất may mấy năm nay, cháu được cô giáo Nguyên cho ăn cơm trưa miễn phí, được nghỉ ngơi tại nhà cô nên vừa đảm bảo sức khỏe, vừa vui vẻ, ấm cúng như một gia đình. "Nhà cháu nghèo, thường chỉ ăn cơm với rau, những món thịt, cá thi thoảng mới có, nhưng ăn cơm ở nhà cô, bữa nào cũng có thức ăn và cô nấu ăn rất ngon. Cháu đang tuổi mới lớn nên ăn không biết no. Chúng cháu rất thương cô phải vất vả nấu ăn cho chúng cháu, rồi còn hướng dẫn, chỉ bảo chúng cháu dù khó khăn cũng phải nỗ lực cố gắng, chăm sóc bản thân, yêu thương bạn bè, gia đình, bạn nào cũng biết ơn cô và coi cô như "người mẹ thứ 2" nên sẽ cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn để cô vui lòng…" - em Thạo cho biết thêm.
Được biết, sau khi ra trường ngành sư phạm năm 1990, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên xin về quê hương là xã Thạch Bình để dạy học. Gần 30 năm gắn bó với ngôi trường còn nhiều khó khăn bởi Thạch Bình là xã vùng cao của huyện Nho Quan với diện tích rộng, đời sống người dân, nhất là người dân tộc ít người còn gặp nhiều khó khăn. Trường có 3 điểm lẻ, mỗi khu cách trung tâm từ 5-6km. Hiện cô Nguyên đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 2E, điểm lẻ Quảng Mào, cách nhà 6km. Thương các em học sinh nhà nghèo, đi học xa, lại không có chỗ ăn, nghỉ, cô Nguyên quyết tâm tiếp sức, nâng bước các em tới trường, trở thành "người mẹ thứ 2" cho các em. Vậy là, gần 6 năm nay, bữa cơm trưa của gia đình cô Nguyên luôn đông đúc và vui vẻ với 2 mâm kín chật người.
"Gia đình tôi có 4 thành viên nhưng các con đều đã xa nhà, mấy năm nay chỉ có hai vợ chồng sinh sống. Tôi rất vui khi được sự ủng hộ của chồng và các con. Công việc nấu ăn cho các em học sinh cũng vất vả, nhưng nhìn chúng được ăn no, ăn ngon, vui vẻ, đủ sức khỏe để học tập, tôi thấy đó là niềm vui, hạnh phúc của mình và không dễ gì có được. Trong số những học sinh ở đây, nhiều em cuộc sống còn quá vất vả, khó khăn, không chỉ thiếu ăn, nhiều em còn thiếu mặc, bố mẹ bận việc nhà nông nên hầu hết các em phải tự lập đến trường kiếm tìm cái chữ… Còn điều kiện về sức khỏe, về thời gian, về kinh tế, tôi sẽ tiếp tục duy trì những bữa ăn trưa miễn phí như thế này cho những học sinh nghèo quê mình." - cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên chia sẻ.
Để phục vụ cơm ăn, nước uống cho cả "tiểu đội", lại ở lứa tuổi "ăn không biết no", nên lúc nào nhà cô Nguyên cũng phải dự trữ mấy bao gạo, tủ lạnh luôn đầy chặt đồ ăn với hàng chục kg thịt, cá, trứng… Hàng ngày cô Nguyên phải dậy từ sáng sớm, mua sẵn thức ăn, nhất là rau xanh, nhờ chồng cắm trước hai nồi cơm to. Rồi khi kết thúc buổi học, cô vội vàng đi 5-6km từ khu lẻ về nhà, chẳng kịp vệ sinh mặt mũi hay thay bộ quần áo đi dạy, lao nhanh vào bếp, khẩn trương làm những món ăn đã được lên thực đơn chuẩn bị về thực phẩm, làm sao xong bữa trưa thật sớm, kịp cho các em học sinh ăn kẻo đói. "Các em học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn, khi đã tình nguyện nấu miễn phí cho các em thì không thể làm cho có được. Tôi coi các em như con mình, nhiều em thương vô cùng vì cuộc sống còn khổ quá. Vậy nên tôi luôn cố gắng để mỗi bữa ăn có đủ canh, rau, thức ăn mặn, đảm bảo đủ dinh dưỡng để các em ăn no và ngon miệng, có sức vui chơi, học tập…" - cô giáo Hạnh Nguyên tâm sự thêm.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Bình cho rằng, tấm lòng vì học sinh của vợ chồng cô giáo Hạnh Nguyên thật đáng trân trọng. Gần 30 năm công tác tại trường, cô giáo Hạnh Nguyên luôn tình nguyện ở lại các điểm lẻ, xa trung tâm để đem cái chữ đến cho học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn nỗ lực cố gắng, hoàn thành trách nhiệm của mình, là giáo viên dạy giỏi, yêu nghề, có nhiều sáng kiến trong dạy và học hiệu quả. Tấm lòng cao cả, sự tận tình, trách nhiệm của cô Nguyên đã giúp cho nhiều học sinh nghèo không bỏ học giữa chừng, là tấm gương cho các giáo viên trong trường học tập, noi theo.
Được biết, ngoài nấu cơm trưa phục vụ miễn phí cho hàng chục học sinh vào các buổi trưa, những năm qua, gia đình cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên còn nhận đỡ đầu và nuôi 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Các em được nuôi ăn uống cho học tập đến khi tự lập được. Hiện một em đã lập gia đình, có việc làm và cuộc sống ổn định.
Bài, ảnh: Hạnh Chi