Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực để khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức hướng về cội nguồn thì ở một số lễ hội, nhất là hội làng vẫn còn tồn tại tập quán lạc hậu, những biểu hiện mê tín, tệ nạn cờ bạc…
Mồng 6 Tết Nguyên đán, tôi về dự hội chùa M (Yên Mô), sau khi thắp hương, thăm thú cảnh chùa, đến khu vực thờ các phật tử, gặp cảnh khá nhiều thầy bói: người xem tay, người xem tướng, người xem tử vi… ngang nhiên mời chào, chèo kéo du khách. Ngay nơi cổng chùa, lều quán dựng lên bừa bãi, chỗ bán cá mực nướng, chỗ thổi kem bông… làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường…
Tệ nạn đánh bạc, cá cược cũng đang là một vấn nạn trong nhiều lễ hội. Về dự lễ hội làng N (thành phố Ninh Bình), tôi bắt gặp các cụ già chơi tổ tôm điếm ăn tiền, thanh, thiếu niên túm tụm với trò chơi ném chai, phi tiêu trúng thưởng. Họ reo hò, cười nói khi thắng một phần thưởng nào đó và la hét, chửi thề khi bị thua, khiến cho khu vực di tích đền, chùa linh thiêng trở nên xô bồ, ầm ĩ... Các trò chơi hiện đại với loa đài quảng cáo ầm ĩ, tiếng hát yêu đương não nề gây khó chịu cho người đi lễ. Tại một số lễ hội, do công tác quản lý bị buông lỏng nên hiện tượng viết sớ, bán lễ, đổi tiền lẻ, dịch vụ ăn uống, coi xe được "hét" với giá… "tự do", chục nghìn đồng/xe máy và vài chục nghìn đồng/xe ô tô.
Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, việc khôi phục lễ hội ở các vùng quê đã đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Để lễ hội thực sự là tinh hoa văn hóa của dân tộc, bên cạnh việc tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa và giá trị văn hóa của lễ hội đến người dân, các địa phương cần phục hồi, khơi dậy cái hay, cái đẹp của lễ hội theo đúng tinh thần gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố lỗi thời, lạc hậu… Mỗi làng, thôn khi tổ chức lễ hội cần phải có sự phân định khu vực thờ tự, khu vực văn hóa, vui chơi giải trí rõ ràng, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra để xử phạt những trường hợp vi phạm quy định.
Huy Hoàng