Theo ghi nhận, mặc dù nguồn cung vẫn dồi dào nhưng giá các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, cá… đã bắt đầu nhích nhẹ. Mức tăng khoảng 2-3 nghìn đồng/kg đối với rau, củ, quả hay khoảng 10 nghìn đồng/kg đối với tôm, cá, hải sản tuy chưa đáng kể so với các đợt bão giá trước đây nhưng cũng đã gây không ít lo lắng cho các bà nội trợ.
Chị Yến, ở phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Giá cả nhích lên một chút thôi cũng khiến việc đi chợ của tôi khó khăn hơn rất nhiều bởi phải tính toán chi li cho phù hợp với từng bữa ăn, không mua tích trữ nhiều, dùng bao nhiêu mua bấy nhiêu… Nếu giá cả tiếp tục leo thang thì buộc chúng tôi phải "thắt lưng buộc bụng", tiết giảm chi tiêu.
Còn các tiểu thương cũng không mấy vui vẻ khi phải tăng giá hàng hóa bởi mỗi lần như vậy sức mua có phần chậm lại. Nhiều tiểu thương lý giải: Đó là việc "đặng chẳng đừng" để bù lại chi phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác.
Giá xăng liên tiếp tăng trong thời gian qua đã gây áp lực nhất định lên giá cả các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu. Người tiêu dùng cũng đã bắt đầu cảm nhận được những tác động của giá xăng đối với cuộc sống hàng ngày. Và họ hoàn toàn có lý do để lo lắng khi thời điểm cuối năm cũng đã gần kề - thời điểm mà giá các mặt hàng phục vụ đời sống luôn có chiều hướng tăng. Vì vậy, mong muốn của nhiều người lúc này là đà tăng của giá xăng sớm được kìm lại.
Đào Duy