Trăn trở từ vùng đất khó
Cụ Cao Văn Chi ở xóm 1 là một trong những người đầu tiên đến lập nghiệp tại Kim Hải và đã "trụ" được ở mảnh đất khó này cho đến tận ngày nay. Cụ Chi cho biết, quê cụ ở xã Quang Thiện, cả gia đình đến xã Kim Hải xây dựng vùng kinh tế mới. Những tưởng tìm đến với mảnh đất tiềm năng, dễ làm ăn, nhưng thực sự có đến mới chứng kiến những bộn bề của vùng đất non trẻ ấy. Ba bề bốn bên là nước, hệ thống đường giao thông rất khó khăn, đến tận năm 2010, xe ô tô không thể vào được đến xã. Để mưu sinh, bà con trong xã làm nghề trồng cói. Tuy nhiên, năng suất cói phụ thuộc vào thời tiết, chưa kể những sản phẩm làm ra từ cói có giá thành thấp, không có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Cái nghèo, cái khó cứ thế đeo bám mãi, nhiều gia đình không trụ được phải rời đi nơi khác làm ăn.
Một bước ngoặt mới đến với bà con xã Kim Hải, đó là từ năm 2005, một vài hộ trong xã năng động bỏ trồng cói và chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Tuy năng suất, hiệu quả chưa phải đã cao, song cũng le lói niềm hy vọng thoát nghèo cho bà con nơi đây. Để hỗ trợ người nông dân, hàng năm UBND xã chủ động tổ chức hội nghị thăm đồng, xây dựng kế hoạch nuôi trồng thủy sản, tổ chức triển khai công tác cải tạo và xử lý ao đầm, vệ sinh, nạo vét kênh mương, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình phát triển kinh tế... Số hộ nuôi tôm tăng nhanh qua mỗi năm, đến nay toàn xã có 669 hộ, có 485 hộ nuôi tôm. Gia đình ông Bùi Quốc Phòng ở xóm 5 là một trong những gia đình thoát nghèo và làm giàu từ nuôi thủy sản. Tuy nhiên, nhìn quy mô, hệ thống ao nuôi của ông Phòng mới thấy, thành công không phải chỉ có sự may mắn. "Khi nuôi theo hình thức quảng canh thì năng suất của thủy sản phụ thuộc hết vào… ông trời. Có năm, tôm mắc dịch bệnh chết hàng loạt, vậy là lại trắng tay. Vay mượn tiền từ họ hàng, Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đầu tư xây dựng hệ thống ao theo lối công nghiệp, có mái che và đầy đủ hệ thống xử lý nước, máy tạo ôxy…, năng suất tôm đảm bảo hơn, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh. Năm 2017, thu hoạch hai vụ tôm gia đình tôi cũng được trên 1 tỷ đồng"- ông Phòng nói.
Tuy nhiên, cũng vì vốn đầu tư khá cao nên ở Kim Hải không có nhiều hộ đầu tư cho hệ thống ao nuôi được bài bản, khoa học như gia đình ông Phòng. Theo thống kê, trong số 485 hộ nuôi chỉ có 35 hộ đã đầu tư được hệ thống nuôi công nghiệp, còn lại nuôi theo hình thức quảng canh, lạc hậu.
Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải chia sẻ, sau bao nỗ lực, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã Kim Hải giảm xuống còn 13,31%. Đối với địa phương thì đây là một nỗ lực lớn, tuy nhiên Kim Hải vẫn là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh. Thực tế này đặt ra cho Kim Hải nhiều thách thức, trăn trở trong việc tiếp tục tìm lối thoát nghèo.
Thêm "đòn bẩy" cho công tác giảm nghèo
Gia đình anh Trần Tiến Dũng ở xóm 2 là một hộ nghèo có… thâm niên ở Kim Hải. Không phải lười lao động, mà hai đứa con thường xuyên ốm yếu chính là nguyên nhân khiến vợ chồng anh Dũng loay hoay mãi vẫn không thoát được đói nghèo. "Nhà nước có nhiều chính sách đặc thù quan tâm đến những hộ nghèo thuộc xã bãi ngang, nhưng thực sự để thoát được nghèo thì nội lực của hộ nghèo mới là yếu tố quyết định. Xác định rõ điều đó, những năm qua vợ chồng tôi dành mọi tâm huyết cho hơn 4.000m2 ao tôm. Tuy nhiên, do không có điều kiện để đầu tư cho ao nuôi, chúng tôi nuôi theo hình thức quảng canh và vận dụng kinh nghiệm của bản thân, vì vậy năng suất không cao. Có năm tôm vướng dịch bệnh chết hết. Mặc dù có nhiều rủi ro, nhưng ngoài nuôi tôm ra thì gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở Kim Hải chẳng biết làm gì để mưu sinh và phát triển kinh tế cả"- anh Dũng than thở.
Nhưng nay thì quyết tâm thoát nghèo của gia đình anh Dũng càng được củng cố, khi gia đình anh được xã Kim Hải lựa chọn là một trong 162 hộ tham gia vào Dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo của xã bãi ngang. Thực hiện chương trình này, xã Kim Hải đã xây dựng 3 dự án đó là: Dự án nuôi tôm thẻ bán thâm canh theo hướng an toàn sinh học; Nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh theo hướng an toàn sinh học và Hỗ trợ mô hình nuôi cua biển bán thâm canh với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. 162 hộ tham gia vào dự án là những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có tâm huyết và phải có lao động. Tham gia thực hiện dự án này, các hộ được hỗ trợ tập huấn và chuyển giao KHKT; hỗ trợ một phần kinh phí để nâng cấp, tôn tạo hệ thống ao nuôi; con giống, thức ăn phát sinh. Ngoài ra, tham gia Dự án, người nuôi sẽ được các cán bộ của Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản sát cánh tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật. "Đối với những chính sách hỗ trợ khác thì người nghèo là đối tượng thụ hưởng hoàn toàn nhưng khi tham gia vào Dự án này, người tham gia sẽ chủ động lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện, năng lực của gia đình để tham gia. Với điểm khác biệt này, hy vọng Dự án sẽ "đánh thức" được nội lực của hộ nghèo"- đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải Đoàn Văn Tuấn khẳng định.
Một hướng đi mới, tiềm năng nữa đối với xã Kim Hải đó là công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Để người lao động biết đến những chính sách đặc thù của Nhà nước và của tỉnh, địa phương tích cực vào cuộc, trong đó ưu tiên việc nâng cao năng lực cho đối tượng là trưởng thôn, đại diện các hội, đoàn thể, bởi đây là lực lượng tuyên truyền viên làm nhiệm vụ thông tin, tư vấn giúp người lao động đến gần hơn với cơ hội XKLĐ. Tham gia các buổi tập huấn nâng cao năng lực do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, các tuyên truyền viên cập nhật các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đối với người lao động các xã bãi ngang ven biển, nhất là về Đề án số 12 của UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác XKLĐ. Được thông tin về các thị trường XKLĐ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…; Gặp gỡ trực tiếp các cơ quan, doanh nghiệp làm công tác XKLĐ và được giải đáp các thắc mắc; nghe những chia sẻ về cuộc sống, thu nhập của lao động từng tham gia XKLĐ ở một số nước… Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của địa phương, từ đầu năm đến nay, xã Kim Hải đã có 5 lao động đi xuất khẩu ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, hoàn thành 100% chỉ tiêu do huyện Kim Sơn giao trước thời gian quy định.
Bài, ảnh: Đào Hằng