Ông Trần Văn Bảo, phố Tây Sơn, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) đã dành ngày nghỉ thứ 7 để đưa các cháu nội, ngoại đến Bảo tàng tỉnh thăm quan gian trưng bày. Ngắm nhìn kỹ lưỡng những vật dụng, đồ dùng, phương tiện một thời gắn bó với cuộc sống của mình, nhiều kỷ niệm lại ùa về trong ông.
"Tôi nhớ về những lần cầm tem phiếu đi mua hàng hóa, xếp hàng cả giờ tại quầy mậu dịch chờ đến lượt mua các loại nhu yếu phẩm như gạo, thịt, đường, mắm, muối.... Rồi anh em trong cơ quan, hàng tháng, mỗi người được mua một thứ, bàn tính, đổi cho nhau để có được một đồ dùng hoàn thiện. Nay nhìn lại những vật dụng tại đây, như đài cát sét, chiếc quạt cóc Liên Xô, cái chăn con công và phích nước của Trung Quốc... đều như hiển hiện đâu đây, thân thương mà cảm động..." - ông Bảo chia sẻ.
Kiên nhẫn trả lời những câu hỏi, thắc mắc của các cháu - những đứa trẻ sinh ra và lớn lên thời kỳ 9X, 10X, được sống trong sự đủ đầy của cơm ngon, quần áo đẹp, ông Bảo nhận thấy, việc giáo dục bằng thực tế, qua các hiện vật cụ thể có sức thuyết phục hơn gấp nhiều lần những câu chuyện, những lời kể trước đó của ông bà, cha mẹ chúng. Ông Bảo tin rằng, những bức ảnh mà các cháu mình tranh nhau được chụp cùng ông, tại nơi trưng bày chuyên đề, sẽ là những kỷ niệm đẹp, quý giá, tạo động lực, hành trang để bọn trẻ tích cực học tập, trưởng thành.
Chị Dương Thị Ngọc, hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh cho biết, chị cũng là một người trẻ, chưa được trải qua nhiều "cung bậc" của thời kỳ bao cấp, nhưng có khá nhiều vật dụng, hiện vật trưng bày tại đây không hề xa lạ với cuộc sống tuổi thơ chị. Nên khi được giao nhiệm vụ hướng dẫn, giới thiệu về không gian trưng bầy, chị không thấy khó, mà cảm nhận khá rõ và cố gắng truyền đạt chân thật nhất về một thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn của cả nước chứ không chỉ riêng ai.
"Điều tôi thấy vui và hứng khởi là nhận được sự lắng nghe của nhiều bạn trẻ. Đặc biệt là các em học sinh tiểu học, THCS. Ở các em là sự ngạc nhiên, bất ngờ với những vật dụng thô sơ, đơn giản trong cuộc sống thời ông bà, bố mẹ mình. Là những bếp củi, bếp trấu, cái chạn bát thô sơ, những món ăn dân dã, đơn giản như khoai, sắn, cơm độn..., chứ không phải bếp ga, bếp điện, tủ lạnh chứa đầy đủ các món ăn ngon, tiện lợi như hiện nay. Việc giáo dục thế hệ trẻ bằng các vật dụng, hiện vật cụ thể thực sự có ý nghĩa hơn nhiều..." - chị Ngọc chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình cho biết: Chuyên đề trưng bày "Dấu ấn thời bao cấp" đối với nhiều người, nhất là những người đã từng sống và trải qua thời kỳ bao cấp, là cả một miền ký ức nhiều màu sắc và những kỷ niệm gây thương nhớ.
Với các nội dung trưng bày, gồm không gian phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ.., tất cả đều nhỏ bé, đơn sơ trong 1 căn hộ vài chục m2, chuyên đề đã tái hiện rõ nét, cơ bản nhất cuộc sống của một gia đình thời kỳ bao cấp, với nhiều khó khăn, thiếu thốn do hàng hóa, vật dụng khan hiếm, khó mua. Tất cả phần trưng bày sắp đặt đó nhằm tạo cho người xem hình dung hoặc nhớ lại một thời đã qua, tuy rất thực tế nhưng lại thấy giống như câu chuyện cổ tích, qua đó thấy được giá trị của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay.
Tại không gian phòng khách, là nơi đón tiếp khách và sum họp gia đình sau một ngày làm việc. Thời ấy, hầu hết các gia đình đều treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất, cùng với khẩu hiệu như "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và những Huân huy chương kháng chiến hoặc Bảng gia đình vẻ vang. Thường ở phòng khách có bộ salon gỗ, ghế ba đai hoặc ghế băng dài để tiếp khách, trên bàn có bộ ấm tích chè xanh. Với những gia đình có điều kiện hơn thì bài trí thêm chiếc tủ ly (còn gọi là tủ bích phê), bên trên để ti vi, lọ hoa, đài, đồng hồ... trang trí.
Đối với khu bếp, không gian trưng bày thể hiện rõ những vật dụng đơn sơ, giản dị. Nổi bật là chiếc chạn, như một kho thu nhỏ, với các ngăn được phân rõ, chứa đựng đầy đủ trong đó mắm muối, tương cà, bát đĩa, xoong nồi... có tác dụng bảo quản thức ăn và ngăn cản côn trùng xâm nhập. Đặc biệt hơn là bếp nấu, chiếc kiềng 3 chân, xung quanh là củi, rơm, chấu, lá cây..., được tận dụng từ phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Xung quanh bếp được treo những bó tỏi, hành khô, chùm bồ kết đen nhánh... và đầy đủ các dụng cụ phục vụ sinh hoạt, sản xuất như rổ, rá, giần, sàng, hũ, chum, chai lọ..
Còn tại phòng ngủ, những vật dụng được trưng bày cũng thể hiện rõ cuộc sống thời bao cấp, với chiếc giường gỗ rẻ quạt. Trên đó là chiếc chiếu cói, đôi gối thêu tay hình đôi chim bồ câu hoặc hình hoa lá, trái tim... Và chiếc chăn con công đỏ rực, trở thành "huyền thoại" một thời, có ở hầu khắp các gia đình. Đồ dùng trong phòng ngủ cũng đơn giản với chiếc hòm gỗ đựng đồ cá nhân, trên đó để túi sách, khăn mùi xoa, còn lại thêm mấy chiếc đinh đóng trên tường để cheo quần áo... Tất cả thể hiện sự giản dị, đơn sơ nhất có thể.
Cũng theo ông Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình, để tái hiện lại các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản của nông dân thời bấy giờ, Bảo tàng cũng sưu tầm thêm hàng trăm vật dụng, nông cụ, ngư cụ thô sơ, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống thời bao cấp, như cối xay lúa, giã gạo, xay bột bằng đá; những chiếc đó, nơm để bắt tép, cá, cua; các loại gầu tát nước, quang gánh, cuốc xẻng; những chiếc cày, bừa, trục kéo lúa, cót đựng thóc; những chiếc thúng, nia, rổ, rá cỡ lớn... và một số đồ dùng được coi là tài sản quý giá của mỗi gia đình lúc bấy giờ, như chiếc xe đạp có biển đăng ký, chiếc máy khâu để làm thêm hàng thủ công... được trưng bày phía bên ngoài Bảo tàng, giúp khách tham quan được trải nghiệm, nhớ lại một thời từng sử dụng, gắn bó trong cuộc sống.
Mặc dù không gian trưng bày "Dấu ấn thời bao cấp" còn ở quy mô nhỏ, chưa đầy đủ, toàn diện, trong không gian bó gọn, hạn hẹp...., nhưng đã nhận được sự quan tâm, đến xem của khá nhiều người dân. Đặc biệt, trong ngày khai mạc và 2 ngày nghỉ cuối tuần, đã có hàng trăm lượt khách đến tham quan, trong đó có nhiều học sinh các trường Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố Ninh Bình và nhiều gia đình đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Điều này cho thấy, những gì là quá khứ, là hoài niệm vẫn luôn được trân trọng, giữ gìn, để mỗi người thấy rõ giá trị của công cuộc đổi mới, sự phát triển của đất nước hôm nay.
Bài, ảnh: Hạnh Chi