Những "cuộc gặp gỡ" thấm đậm nghĩa tình Trong câu chuyện với ông Phạm Ngọc Hiệu, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ của tỉnh cùng các đồng chí Thường trực Hội, chúng tôi bị cuốn hút vào câu chuyện về trường hợp của chị Vũ Thị Lý (quê ở xã Lạc Vân, huyện Nho Quan) hiện đang công tác tại Thư viện huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, một trong nhiều gia đình đã tìm thấy hài cốt liệt sỹ. Gia đình chị Lý đã có gần 50 năm tìm kiếm thông tin về người bố của mình là liệt sỹ Vũ Văn Thiếp. Theo chị Lý kể lại: Từ khi còn bé, chị đã nghe ông bà và mẹ nhắc nhiều về tấm gương hy sinh anh dũng trong chiến đấu của bố. Suốt thời gian đi học, bố luôn là động lực để các anh chị em trong gia đình nỗ lực học tập, phấn đấu. Đến khi trưởng thành, nhiều lần gia đình đã cất công tìm kiếm thông tin, hài cốt của bố nhưng đều không có kết quả. 49 năm khắc khoải tìm kiếm thông tin về người thân nhưng chưa bao giờ gia đình thôi không hy vọng. Bởi biết đâu, đồng đội cũ, người cùng quê…sẽ có thông tin về trường hợp của người thân.
Cho đến một ngày, khi nhận được giấy báo của UBND xã Lạc Vân về việc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh gửi công văn báo tin có thông tin về liệt sỹ Vũ Văn Thiếp, hy sinh tại chiến trường Bình Định, gia đình đã mừng rơi nước mắt. Rất nhanh chóng, người nhà báo tin cho chị Lý vì chị đang sinh sống tại Tây Ninh, thuận tiện đến Bình Định hơn so với đi từ Ninh Bình vào. Thắp nén hương thơm trước mộ người bố liệt sỹ, với chị Lý và các con cháu trong gia đình, khi đó mới như trút được gánh nặng tâm lý đã thường trực trong tâm trí họ hàng chục năm nay vì "chưa làm tròn chữ hiếu, đạo làm con"… Kể từ đó đến nay, không chỉ viết thư gửi về Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh để cảm ơn sự giúp đỡ của các đồng chí thường trực Hội, mà chị Lý còn gắn kết với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ bằng chính việc làm thiện nguyện của mình.
Hàng năm, cứ vào dịp lễ, Tết, đoàn đại biểu của huyện Tân Châu nơi chị Lý công tác đều tổ chức viếng nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82 huyện Tân Biên là nghĩa trang quốc tế vì nơi đây quy tụ phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh tại chiến trường nước bạn Campuchia. Là thành phần tham gia đoàn nhiều năm liền nên chị Lý nắm rất rõ nghĩa trang này. Chị đã cẩn thận vào nghĩa trang, tìm và ghi lại thông tin của các liệt sỹ tỉnh Ninh Bình. Danh sách hơn 100 liệt sỹ được chị ghi chép cẩn thận, gửi về Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh để giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm thông tin của Hội. Chị còn gửi thư nhắn nhủ các đồng chí thường trực Hội: Nếu gia đình thân nhân liệt sỹ nào có nhu cầu vào thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82 huyện Tân Biên hoặc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tại đây, cứ liên hệ với chị theo địa chỉ: Vũ Thị Lý, số điện thoại 1919868035, công tác tại Thư viện huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, chị rất sẵn lòng giúp đỡ bởi gia đình chị sinh sống cách nghĩa trang có hơn 30 km…
Nguyện làm "cầu nối" cho nhiều gia đình liệt sỹ
Thoạt nghe, việc tìm kiếm, kết nối thông tin của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh có vẻ đơn giản. Nhưng có tìm hiểu, có chứng kiến việc làm của những đồng chí tham gia Ban Chấp hành Hội, nhất là các đồng chí thường trực Hội mới thấy công việc này chả khác gì "tìm kim đáy biển". Ông Phạm Ngọc Hiệu, Chủ tịch Hội chia sẻ: Có khi, cả ngày ngồi một chỗ, mắt chăm chăm theo dõi các danh sách liệt sỹ cũng không thể tìm được chính xác thông tin. Vậy nên, chỉ cần một giây phút nào đó tìm được chính xác thông tin cần tìm kiếm, niềm vui như vỡ òa, chẳng khác nào mình tìm được chính người thân của mình. Chính vì lẽ đó, nên tất cả các thành viên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ đều tham gia công việc bằng tình cảm, trách nhiệm của mình để có thể giảm bớt đau thương, mất mát cho nhiều gia đình thân nhân liệt sỹ cũng như kết nối thông tin cho họ có cơ hội tìm kiếm người thân.
Được thành lập từ năm 2013 theo quyết định của UBND tỉnh, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh luôn tuân theo tôn chỉ, mục đích của Hội là: hỗ trợ các gia đình liệt sỹ tiếp cận, thực hiện các chế độ,chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần giúp các gia đình liệt sỹ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính; tham gia nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước về các giải pháp thực hiện chế độ, chính sách tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sỹ và gia đình liệt sỹ. Đã có những gia đình tìm kiếm thông qua các nhà ngoại cảm, qua các trung tâm tìm kiếm tư nhân, vừa tốn kinh phí mà vẫn chưa tìm được chính xác hài cốt người thân, không có sự đảm bảo độ chính xác…Do đó, từ khi thành lập đến nay, với tôn chỉ, mục đích rõ ràng, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, sự phối hợp hiệp đồng của các cấp, các ngành, các địa phương trong và ngoài tỉnh nên công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao và làm chuyển biến trong nhận thức, tạo sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân về hoạt động của Hội, về các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tìm kiếm thông tin về các liệt sỹ.
Từ khi thành lập đến nay, Hội đã thông tin cho trên 700 trường hợp về nơi hy sinh và nơi an táng. Đã có hàng trăm gia đình lần đầu tiên biết được nơi an táng, nơi hy sinh của người thân. Nhiều gia đình đã tìm được hài cốt liệt sỹ, đưa về quê an táng. Trong cách làm của mình, các đồng chí thường trực Hội đã thận trọng tra cứu, chỉ khi có kết quả chính xác mới thông tin cho gia đình liệt sỹ thông qua UBND xã nơi thân nhân liệt sỹ cư trú. Hội cũng đã đón tiếp hàng trăm lượt gia đình liệt sỹ đến xin tư vấn về tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, chế độ, chính sách đối với liệt sỹ. Bên cạnh nhiệm vụ chính, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ còn tích cực triển khai hoạt động tri ân, "đền ơn đáp nghĩa" đối với các gia đình liệt sỹ thông qua việc tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để thăm hỏi, tặng quà, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho thân nhân liệt sỹ; phối hợp với Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam tổ chức giám định gen ADN cho 21 gia đình liệt sỹ có nhu cầu, tham gia Ban chỉ đạo tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh…
Trên đường từ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh trở về nhà, trong tâm trí tôi vẫn là hình ảnh những chồng hồ sơ, giấy tờ ngổn ngang cần tra cứu, và có cả những lá thư, những thông tin hồi đáp của các gia đình liệt sỹ sau khi tìm được hài cốt của người thân đã gửi về cho Hội…Đó chính là động lực, là niềm hạnh phúc vô bờ để những người từng khoác áo lính tiếp tục cần mẫn bên những chồng hồ sơ, các danh sác dài dằng dặc…để tra cứu, tìm kiếm chính xác thông tin về các liệt sỹ, góp phần nhân lên truyền thống "đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc.
Bùi Diệu