Hiểu rõ về đặc điểm của đồng đất quê hương là địa hình đồi núi, đất canh tác hạn chế, hay gặp khô hạn, thiếu nước, do vậy anh chọn mô hình chăn nuôi để khởi nghiệp. Đầu những năm 2000, qua giới thiệu của bạn bè, anh Hạnh rất hứng thú với mô hình nuôi hươu lấy nhung nên lặn lội vào Hương Sơn (Hà Tĩnh) để học tập kinh nghiệm của các hộ đã thành công trong việc nuôi hươu lấy nhung. Sau đó anh mua 4 con hươu về nuôi lấy nhung. Thất bại "đầu đời" đến bây giờ anh vẫn nhớ đó là do chủ quan trong khâu lựa chọn thức ăn mà 2 con hươu đã bị chết vì ngộ độc lá cây. Rút kinh nghiệm, anh tiếp tục tìm tòi kỹ thuật chăm sóc hươu qua sách báo, tivi, internet…đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Hội Nông dân các cấp tổ chức, vay thêm tiền để mở rộng chăn nuôi. Đến năm 2012, anh nuôi thêm nai và lợn rừng.
Hiện nay, gia đình anh nuôi 37 con hươu, 6 con nai và gần 50 con lợn rừng theo hình thức bán hoang dã. Khu chăn nuôi rộng hàng nghìn mét vuông có nhiều cây bóng mát, tạo được không gian thích hợp với bản năng hoang dã của hươu, nai, lợn rừng, xung quanh dùng lưới B40 để quây hàng rào bảo vệ… do đó đàn vật nuôi phát triển tốt. Anh Đinh Xuân Hạnh khẳng định, hươu, nai, lợn rừng đều là những con nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.
So với nuôi bò thì nuôi hươu, nai hiệu quả hơn nhiều. Hươu, nai sau khi nuôi 3 năm bắt đầu cho thu hoạch nhung, thời gian thu nhung kéo dài khoảng 12 năm, sau đó có thể bán thịt, xương dùng để nấu cao.
Khi hươu đực được 3 năm sẽ cho nhung cơ bản với trọng lượng từ 0,3 - 0,5 kg, lượng nhung tối đa thu được của mỗi con trưởng thành từ 0,8 - 0,9 kg, bán ra thị trường với giá 1,8 triệu đồng/lạng. Nhung nai có trọng lượng nhiều hơn, đạt 1,2 - 1,3kg/con với giá bán 1,2 triệu đồng/lạng.
Ngoài nuôi hươu, nai lấy nhung, anh Hạnh còn cung cấp hươu, nai giống cho thị trường với giá bán từ 15 - 17 triệu đồng/cặp hươu giống và 27 - 28 triệu đồng/cặp nai giống. Nai thịt 1 năm tuổi có trọng lượng khoảng 70 kg được bán với giá 200.000đồng/kg. Thịt lợn rừng có giá từ 130.000đ - 150.000đ/kg. Các sản phẩm từ nhung, nai, lợn rừng của anh có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Điều đáng quý là không chỉ lo làm lợi cho bản thân, anh Hạnh còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng; giúp nhiều hộ khó khăn về giống, vốn theo hình thức góp công hưởng lợi. Bên cạnh đó, anh Hạnh còn tận tình tư vấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật đối với từng loại con nuôi cho những người đến mua giống con nuôi của gia đình anh…
Phúc Nguyên