Theo Bộ Công thương, nguyên tắc điều hành giá xăng, dầu sẽ được thực hiện theo cơ chế giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước; bảo đảm giá bán lẻ xăng dầu thực hiện theo nguyên tắc thị trường "có lên, có xuống" theo tín hiệu của thị trường thế giới; Nhà nước can thiệp vào giá thị trường chủ yếu bằng môi trường pháp lý, chỉ can thiệp trực tiếp bằng những biện pháp thích hợp và được công bố công khai khi giá tăng quá cao không hợp lý hoặc khi có những biến động bất thường. Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu được quyền quy định giá bán xăng, dầu trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp tính giá, cơ chế kiểm soát giá và các biện pháp bình ổn giá do Nhà nước quy định...
Tại hội thảo, Bộ Tài chính đã đề xuất ba phương án điều hành giá xăng, dầu. Phương án 1, các DN phải có trách nhiệm bình ổn giá bán trước khi áp dụng phương án điều chỉnh căn cứ vào giá thế giới và tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình. Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp giá có biến động bất thường. Nếu các yếu tố cấu thành giá tăng và giảm 3%, DN tiếp tục giữ ổn định giá bán lẻ. Trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá tăng hoặc giảm từ 3% đến 12%, doanh nghiệp mới được điều chỉnh giá bán, nhưng mức tăng không được vượt quá 50%...
Phương án 2, DN được điều chỉnh giá theo thị trường trong phạm vi đến 10%. Với cách thức này, doanh nghiệp chỉ được phép tăng hoặc giảm giá bán trong phạm vi nhất định, phần còn lại sẽ được xử lý thông qua Quỹ bình ổn giá xăng, dầu... Nhà nước sẽ can thiệp trong trường hợp giá biến động bất thường.
Phương án 3, phương thức điều hành giống như phương án 2, nhưng DN được điều chỉnh giá trong phạm vi đến 7%. Nếu tăng trên mức này, DN được phép điều chỉnh có mức độ, phần giá vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua Quỹ bình ổn giá xăng, dầu...
Theo Nhandan