Giới quan sát nhận định, kết quả trên về cơ bản sẽ không bị đảo ngược so kết quả chính thức sẽ được Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) công bố trong thời gian tới. Với kết quả trên, CPP khẳng định đã giành quyền kiểm soát tại QH và tiếp tục lãnh đạo đất nước 5 năm tới. Tranh cử vào QH Cam-pu-chia khóa V có tám chính đảng, trong đó nổi lên hai lực lượng chủ chốt là đảng CPP và CNRP. Hơn 40.430 quan sát viên bầu cử độc lập trong nước và 243 quan sát viên quốc tế đến từ 29 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia giám sát cuộc bầu cử QH Cam-pu-chia lần này. Theo NEC, thanh niên chiếm 30% trong số hơn 9,6 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu, do vậy, cuộc bầu cử QH khóa V của Cam-pu-chia được coi là "trẻ nhất" trong lịch sử đất nước. Dưới sự lãnh đạo của đảng CPP, QH Cam-pu-chia khóa mới (nhiệm kỳ 2013-2018) được bầu đánh dấu bước chuyển quan trọng nhằm đưa "đất nước chùa Tháp" duy trì mức tăng trưởng cao liên tục nhiều năm qua. Sau chiến thắng lịch sử ngày 7-1-1979, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Cam-pu-chia đã lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - I-êng Xa-ry, thành lập nước CHND Cam-pu-chia, tiền thân của Vương quốc Cam-pu-chia ngày nay. Hai năm sau khi Hiệp định hòa bình Cam-pu-chia được ký giữa 19 nước và bốn phái Cam-pu-chia tại Thủ đô Pa-ri (Pháp), Cơ quan quyền lực lâm thời của Liên hợp quốc (UNTAC) tổ chức tổng tuyển cử lần thứ nhất ở Cam-pu-chia, bầu QH lập hiến vào năm 1993. Hai mươi năm qua, trải qua nhiều khó khăn thử thách, từ điêu tàn của chiến tranh, CPP đã lãnh đạo nhân dân Cam-pu-chia giành được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cứu nhân dân và đất nước Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng; bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Nhất là trong những năm gần đây, đất nước Cam-pu-chia đã vươn lên, với mức tăng trưởng kinh tế trung bình đạt hơn 7%, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế và uy tín của Vương quốc Cam-pu-chia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Ðóng góp nhiều nhất trong quá trình "thay da đổi thịt" đó là các ngành kinh tế mũi nhọn, gồm du lịch, dệt may, xây dựng và nông nghiệp. Năm 2012, Cam-pu-chia vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 7,3% và dự báo đạt mức tăng trưởng 7,6% trong năm nay; phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người hơn 1.000 USD vào cuối năm 2013.
Bỏ phiếu ủng hộ CPP, cử tri trẻ tuổi Cam-pu-chia, những thế hệ sinh sau chiến tranh kỳ vọng, chính phủ sắp tới của Cam-pu-chia do CPP lãnh đạo sẽ giúp họ có được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, trong khi cử tri lớn tuổi mong muốn đời sống mọi mặt của nhân dân tiếp tục được cải thiện, đoàn kết quốc gia được duy trì để đất nước phát triển ngày càng phồn vinh.
Hiến pháp Cam-pu-chia quy định, QH khóa mới sẽ triệu tập phiên họp đầu tiên chậm nhất là 60 ngày sau bầu cử. Ðảng cầm quyền sẽ nỗ lực thực hiện cam kết đưa ra trong cương lĩnh tranh cử của mình, đó là tiếp tục ủng hộ đương kim Thủ tướng Hun Xen làm ứng cử viên thủ tướng nhiệm kỳ V và các nhiệm kỳ tiếp theo; tiếp tục liên minh với đảng Bảo hoàng FUNCINPEC để lập chính phủ mới; cải thiện đời sống người dân; củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với mọi lực lượng chính trị và các giới trong xã hội để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục giải quyết vấn đề biên giới với các nước láng giềng...
Theo các nhà quan sát, CPP sẽ gặp khó khăn hơn nhiệm kỳ trước trong việc lập chính phủ mới do đảng cầm quyền để mất khá nhiều ghế (khóa trước giành 90/123 ghế QH). Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là chính phủ mới phải tập hợp được sức mạnh đoàn kết trong QH để xây dựng đất nước.
Nguồn: nhandan.com.vn