Với đặc điểm đồng đất phù hợp để trồng các loại cây rau màu, xã Yên Từ hiện có khoảng 50 ha đất trồng rau. Xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa nhiều giống rau mới có năng suất cao vào sản xuất, tăng cường diện tích rau vụ đông. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng rau cũng như mức độ an toàn của sản phẩm, trong những năm qua nhiều hộ nông dân đã tham gia các lớp tập huấn về cách sử dụng thuốc BVTV theo 4 "đúng", cách sử dụng phân bón an toàn, hiệu quả cũng như các kỹ thuật sản xuất rau an toàn khác. Đặc biệt, vụ đông 2015 này, HTX Phúc Lại, xã Yên Từ là một trong những vùng được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT) chọn để triển khai mô hình "Chuỗi cung cấp sản phẩm rau an toàn" với quy mô diện tích 2 ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần giống, vật tư nông nghiệp, được phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt…
Kết quả cho thấy, tại đây nhiều hộ nông dân sản xuất rau an toàn khá thành công. Điển hình như hộ gia đình chị Trần Thị Chín, xóm 2, Phúc Lại. Với gần 1 mẫu ruộng, chỉ riêng trồng rau vụ đông, gia đình chị thu lời 40-50 triệu đồng. Chị Chín chia sẻ: Từ trước đến nay, chưa bao giờ vì lợi nhuận mà gia đình tôi lạm dụng phân hóa học, hóa chất quá liều lượng cho phép, dẫn đến những nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để đảm bảo hơn nữa về chất lượng rau xanh khi bán ra thị trường, vừa qua gia đình đã tham gia lớp tập huấn sản xuất rau an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tổ chức. Nhiều kiến thức rất hay và bổ ích đã được áp dụng ngay trong vụ sản xuất này, nhờ vậy rau phát triển tốt hơn, ít sâu bệnh hơn. Còn bà Phùng Thị Nghìn cho biết:
Trước đây, tôi trồng rau xuất phát từ điều kiện thực tế của gia đình, cũng như những kinh nghiệm lâu năm của mình. Nhưng xem ra chưa thực sự an toàn, được các cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn về quy trình sản xuất, phương pháp lập và ghi sổ theo dõi, mọi thứ bài bản hơn nhiều. Tất cả các công đoạn sản xuất đều được ghi chép lại hết sức chi tiết từ thời điểm xuống giống, sử dụng phân bón, thuốc phòng trừ bệnh đến khi thu hoạch.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi để giúp tôi kiểm soát tốt hơn các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cũng như theo dõi được các khoản chi phí đầu tư. Nhờ sản xuất những sản phẩm an toàn mà rau của gia đình được các thương lái tin tưởng tìm mua, giá tất nhiên là cũng nhỉnh hơn chút ít.
Anh Lê Mạnh Cường, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Yên Từ cho biết: Hàng năm, bà con đều được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân huyện, Phòng Nông nghiệp huyện thường xuyên tập huấn sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, VietGap…
Có thể nói, hiện nay người nông dân nắm rất vững về các kỹ thuật trồng rau, từ việc làm đất, lựa chọn giống đến cách chăm sóc, thu hoạch. Nếu nói về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bà con là người trực tiếp sản xuất nên họ còn giỏi hơn mình.
Thực hiện Nghị quyết của tỉnh, huyện về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xã Yên Từ đã có chủ trương quy hoạch vùng sản xuất rau sạch với diện tích khoảng 50 ha, trong đó dự kiến sẽ có 20 ha chuyên rau làm vùng nguyên liệu cho Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao.
Việc tham gia mô hình "Chuỗi cung cấp sản phẩm rau an toàn" do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản triển khai là một trong những bước đi quan trọng giúp người nông dân chuyển đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, hướng tới một nền sản xuất an toàn và bền vững.
Tuy nhiên, để sản xuất an toàn thực sự đem lại hiệu quả, thời gian tới rất cần sự chủ động vào cuộc của các cấp quản lý, các tổ chức, hiệp hội trong việc hỗ trợ nông dân bao tiêu sản phẩm, xây dựng chứng nhận cũng như thương hiệu cho vùng rau an toàn nơi đây.
Bài, ảnh: Hà Phương