Là người đầu tiên trong xã nuôi ếch, anh Nguyễn Văn Thường, nông dân thôn Khẩn cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 mẫu đất 313 trước đây chỉ trồng lúa, rau màu và thả cá truyền thống. Tuy nhiên nhận thấy hiệu quả không cao, tôi lặn lội đi các tỉnh học cách nuôi ếch. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định mua 1 vạn con ếch về nuôi thí điểm. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho con ếch quá lớn, 60-70 triệu đồng tiền giống, thức ăn, trong khi nguồn vốn của gia đình có hạn… Được sự quan tâm của chính quyền xã, được vay vốn, kỹ thuật từ Hội Nông dân, tôi đã có tiền cải tạo hệ thống ao nuôi và mua thức ăn... Nhờ chăm chỉ, chịu khó và thực hiện nuôi ếch theo đúng quy trình kỹ thuật nên sau hơn 2 tháng, gia đình anh Thường đã thu những lứa ếch đầu tiền, thu lãi gần 50 triệu đồng, cao gấp chục lần so với trồng lúa và thả cá truyền thống.
Không có nhiều vốn như anh Thường, chị Nguyễn Thị Ninh, thôn Khẩn chọn cho mình một hướng đi khác, đó là áp dụng mô hình đa canh: dưới ao thả cá, mặt ao làm giàn cho mướp leo, xung quanh bờ thì luân canh rau các loại và một phần diện tích nuôi lợn. Chị Ninh chia sẻ: Trước đây, gần 1 mẫu ruộng gia đình chỉ cấy lúa, thu nhập hàng năm không ổn định, có năm ngập úng mất mùa, sản xuất nông nghiệp hầu như không có lãi. Từ năm 2011, thực hiện chương trình chuyển đổi giống cây trồng, gia đình đã mạnh dạn chuyển hầu hết diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau, mỗi sào thu lãi cả chục triệu đồng. Thực tế trồng rau tốn nhiều công hơn nhưng rải vụ làm quanh năm, không cập rập như cấy lúa nên rất phù hợp với hoàn cảnh gia đình ít người làm như gia đình chị. Thời gian tới chị Ninh dự định sẽ chuyển đổi nốt 3 sào lúa còn lại sang mô hình này.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cùng với mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản và đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất đã góp phần đưa thu nhập bình quân trên diện tích canh tác ở Yên Thắng đạt 94,2 triệu đồng/ha, trở thành một trong những xã có phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi điển hình của huyện Yên Mô. Ông Phạm Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng cho biết: Cùng với việc hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa; quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng thôn, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Xã đã quy hoạch vùng trồng rau chuyên canh khoảng 20 ha tại khu vực thôn Vân Thượng, Vân Hạ. Đồng thời tiếp tục chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa cá, nâng tổng diện tích chuyển đổi lên khoảng 100 ha. Thời gian qua, trên địa bàn xã đã hình thành trên 30 mô hình sản xuất có hiệu quả với trên 200 hộ đang áp dụng như: mô hình chuyên canh rau, mô hình đa canh, mô hình nuôi cá lóc bông, mô hình nuôi ếch, chim bồ câu… Sắp tới xã cũng đang xúc tiến để thành lập một HTX chăn nuôi nhằm tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ về vốn và tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi của bà con, góp phần đưa chăn nuôi phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Phấn đấu tăng tổng giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của Yên Thắng lên 15-20% trong thời gian tới.
Hà Phương