Gia đình bà Vũ Thị Bích, HTX Đông Thôn, xã Yên Thái có 8 sào lúa và 2 sào chuyên canh sản xuất rau màu. Cũng như các hộ dân khác trên địa bàn xã, hầu như vụ nào bà Bích cũng phải tiến hành phun trừ sâu bệnh cho cây trồng bằng nhiều loại thuốc BVTV khác nhau. Và thông thường, sau khi phun xong thì vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bà thường thu gom rồi vứt chung vào rác sinh hoạt, thậm chí hôm nào vội thì vứt luôn ở bờ mương.
Tuy nhiên từ năm 2016, được nhà nước và HTX xây cho các bể thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV, bà Bích và nhiều xã viên khác đã có ý thức bỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. Bà Bích chia sẻ: Từ ngày được cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp & PTNT phổ biến các kiến thức về sản xuất nông nghiệp sạch, tôi đã biết cách lựa chọn sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm chứ không sử dụng tràn lan như trước.
Bên cạnh đó, mỗi lần phun thuốc xong bao bì, vỏ thuốc BVTV tôi cũng gom gọn bỏ vào thùng, rất tiện mà lại đảm bảo vệ sinh và an toàn.
Trao đổi với đại diện HTX nông nghiệp Đông Thôn được biết, hiện nay HTX đã xây dựng được hàng chục bể chứa bao gói thuốc BVTV, phủ kín các cánh đồng, tính ra trung bình chưa tới 2 ha thì đặt 1 bể. Vị trí đặt các bể chứa được HTX lựa chọn sao cho phù hợp, thuận tiện nhất cho bà con khi tiến hành pha chế, đảm bảo xa nguồn nước, xa khu dân cư, không ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Từ ngày có các thùng chứa này, hiện tượng chai lọ, vỏ bao thuốc BVTV vứt bừa bãi ở các kênh mương, trôi nổi trên cánh đồng đã không còn. Hầu hết bà con đều rất có ý thức trong việc thu gom chai lọ, vỏ bao thuốc BVTV để bỏ vào thùng.
Yên Thái có tổng diện tích đất canh tác là 484 ha, trong đó đất 2 lúa là 434 ha, đất chuyên màu là 50 ha, hàng năm lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng ở xã là không nhỏ tuy nhiên việc thu gom xử lý trước đây chưa được thực hiện.
Năm 2016, được chọn là xã điểm của tỉnh trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, xã đã được Sở Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ mở nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật canh tác tốt, cách sử dụng thuốc 4 đúng, đảm bảo thời gian cách ly, phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM…
Đồng thời, để thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật để xử lý an toàn, từ nguồn vốn tự có và kinh phí hỗ trợ của Sở, hơn 70 bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV đã được xây dựng ở 2 HTX Đông Thôn và Quang Trung.
Ông Vũ Văn Đạo, Phó chủ tịch UBND xã Yên Thái cho biết: Vỏ bao bì, chai lọ thuốc sau khi đã sử dụng xong sẽ được bà con tự giác thu gom vào thùng, người nào không có ý thức, vi phạm bỏ bừa bãi ngoài đồng sẽ bị mọi người nhắc nhở. Sau khi có mô hình thu gom này, ý thức, trách nhiệm của bà con trong việc bảo vệ môi trường đã được nâng lên rất nhiều. Từ hiệu quả ban đầu đó, trong năm 2017 này, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng thêm khoảng 80 bể chứa nữa để nông dân sử dụng.
Qua đó vừa góp sức xây dựng NTM vừa nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn của Yên Thái hiện nay là rác thải từ chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV không thể tiêu hủy bằng cách chôn hoặc đốt như các loại rác thải thông thường. Vì vậy, để giảm tác hại với môi trường cần có sự quan tâm của các ngành chức năng, giúp đỡ, hướng dẫn chúng tôi bảo đảm tiêu hủy đúng quy trình, an toàn.
Theo chi cục Trồng trọt&BVTV thì hàng năm, toàn tỉnh sử dụng hàng trăm tấn thuốc BVTV; như vậy lượng bao bì, chai lọ đựng thuốc, lượng thuốc BVTV bỏ lại là rất lớn. Bao bì đựng thuốc BVTV phần lớn là nhựa, nilong nên rất khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh, việc thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV mới thực hiện điểm tại một số xã như Khánh Thành, huyện Yên Khánh hay Yên Thái, huyện Yên Mô. Vì vậy, thời gian tới cần có sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, địa phương để mô hình thu gom vỏ bao thuốc BVTV như ở Yên Thái được nhân rộng, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, đảm bảo sức khỏe cho người dân và góp phần tạo một môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Hà Phương