Ông Lê Ngọc Trinh, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn cho biết: Đất đai ở Yên Sơn vốn không được mầu mỡ nên cây trồng thường không năng suất. Nhưng trong 3 năm trở lại đây (từ năm 2014 đến nay) nông dân nơi này đã khá thành công với mô hình trồng nghệ. Bởi 1 sào trồng nghệ đen cho năng suất trung bình từ 1-1,5 tấn và đầu ra được bao tiêu với giá ổn định 9.000 đồng/kg, trừ chi phí, người nông dân đã thu về khoảng 12 triệu đồng/sào. Ông Trinh cho biết thêm: Cây nghệ đen được trồng từ tháng 2- 3 và đến tháng 11 thì cho thu hoạch. Để cây nghệ sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao cần trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật.
Ưu điểm nổi trội của loại cây trồng này là có đặc tính miễn dịch hoàn toàn đối với mọi loại sâu bệnh, nên suốt trong quá trình sinh trưởng, tuyệt đối không phải sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào. Nghệ đen cho thu hoạch 1 năm 1 lần và sản phẩm có thể bảo quản 5-7 tháng không bị hỏng.
Để đảm bảo cho mô hình phát triển bền vững, tháng 6/2017, ông Trinh và các hộ dân tham gia trồng nghệ đã quyết định thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ Dược liệu Yên Sơn. Theo đó, người nông dân khi tham gia vào HTX được tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trong quá trình trồng, HTX thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng cách, đúng thời điểm. Nhờ vậy, cây nghệ đã khẳng định hiệu quả kinh tế rõ rệt, mang lại thu nhập cao.
Ông Nguyễn Đức Tiến là 1 trong 28 hộ dân tham gia trồng nghệ của HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn. Từ diện tích ban đầu chỉ hơn vài sào, đến nay đã phát triển lên trên 1 mẫu. Ông Tiến cho biết: Những năm trước đây, diện tích vườn của gia đình tôi thường bỏ hoang, do trồng các loại cây mầu cũng như cây ăn quả không mấy khi được thu hoạch vì đất đai ở đây cằn cỗi.
Khi được một số người bạn và một số hộ dân trong xã giới thiệu, tôi đã tìm hiểu về mô hình trồng nghệ và nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và đặc biệt vốn đầu tư ban đầu ít, tôi quyết định xóa bỏ vườn tạp để trồng nghệ. Đến nay, cây nghệ phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Lê Ngọc Trinh, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn cho biết thêm: Ngoài trồng nghệ đen, các hộ còn thí điểm trồng nghệ đỏ. Đây là những sản phẩm được ưu chuộng và giá thành cao hơn so với nghệ đen. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, HTX còn tích cực tìm đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho người trồng nghệ. Hiện nay, tổng diện tích nghệ đỏ của HTX đã đạt gần 8 ha.
Điều đáng nói, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cung cấp cho thị trường, HTX còn vận động mở rộng vùng trồng ở một số xã như Sơn Hà, Quỳnh Lưu, Phú Long, Phú Lộc (Nho Quan) và một số xã ở Yên Khánh... Hiện tổng diện tích trồng nghệ của các hộ đã lên 25 ha.
Hiệu quả từ mô hình trồng cây nghệ đã mở ra hướng đi mới cho người dân Yên Sơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và từng bước thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Bài, ảnh: Mai Lan