Chúng tôi về xã Yên Quang (Nho Quan) vào một ngày đầu tháng 8 chứng kiến không khí làm đường giao thông liên thôn, liên xóm rất khẩn trương và sôi nổi. Anh Bùi Đức Tính, một hộ dân của xóm Yên Mỹ ngừng tay làm cho biết: Đoạn đường dong ngõ xóm các anh đang đổ bê tông có chiều dài 110m, của 4 hộ gia đình. Vẫn biết đường đi là của mình, phục vụ cho mình nhưng vì kinh tế gia đình các hộ ở đây hầu hết còn nhiều khó khăn nên việc đứng ra tổ chức làm đường còn là điều băn khoăn, trăn trở. Khi được các đồng chí cán bộ xã, cán bộ thôn tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, cụ thể là việc hỗ trợ xi măng để làm đường, gia đình anh và 3 hộ ở đây rất phấn khởi và quyết định đóng góp để làm. Không kể mức đóng góp làm nền đường trước đó, mỗi gia đình phải đóng góp thêm 6 triệu đồng để hoàn thành con đường có chiều rộng 2,5m, dày 1,5cm. Mua sẵn cát, đá và thuê xe chuyên chở tập kết sẵn từ hôm qua, hôm nay được Nhà nước hỗ trợ 13 tấn xi măng, ngay từ sáng sớm chúng tôi đã ra quân làm đường. Ngoài mức tiền đã đóng, nhà nhà góp thêm công lao động, trang bị phương tiện thi công như xẻng, cuốc, thùng nước, rổ, xề… chỉ phải thuê thêm máy trộn bê tông. Vất vả, tốn kém là vậy nhưng chúng tôi rất vui, con đường hoàn thành kiên cố, sạch sẽ là phục vụ chính bản thân chúng tôi và gia đình.
Cũng như xóm Yên Mỹ, không khí làm đường ở thôn Yên Thái còn sôi nổi, tất bật hơn. Bởi lẽ đoạn đường này khá dài, 360m đường của 21 hộ dân, trong đó có 7 hộ nghèo. Khi bàn bạc làm đoạn đường này, khó khăn đặt ra cho thôn Yên Thái là những hộ nghèo của thôn sẽ lấy đâu ra tiền đóng góp theo mức quy định 750 nghìn đồng/khẩu, bình quân một gia đình phải đóng từ 3,2 - 3,5 triệu đồng. Bàn bạc, tính toán và đi đến thống nhất, mỗi khẩu thuộc hộ nghèo chỉ phải đóng 300 nghìn đồng/người, còn lại đóng góp ngày công lao động nhiều hơn các gia đình khác, thậm chí phải đổi bằng công cấy, công làm đồng cho những gia đình đóng góp số tiền nhiều hơn để tạo sự công bằng và dân chủ. Ngày ra quân, các hộ quyết định "tự túc" tất cả các khâu: Từ chở cát, đá, xi măng đến cân đo, đong đếm, rồi trộn, rải đường… mỗi người một việc, tự giác và đoàn kết.
Hiện Yên Quang có 6 tiêu chí đạt đó là: Hình thức tổ chức sản xuất; Văn hóa; Hệ thống chính trị; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Hệ thống điện…; 2 tiêu chí gần đạt, còn lại là những tiêu chí chưa đạt đòi hỏi sự đầu tư công sức và tiền của rất lớn mới có thể thực hiện được. Như đối với tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh, của huyện, qua thực tế tham quan các mô hình điểm xây dựng nông thôn mới của Trung ương, xã Yên Quang bắt tay vào công việc cụ thể. Bước đầu chọn thôn Yên Mỹ là thôn có địa bàn rộng và đông dân cư để tiến hành phóng tuyến, đóng cọc mốc đường giao thông và thủy lợi, trên cơ sở đó làm căn cứ để giải phóng mặt bằng, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai ra toàn xã. Kết quả, đến tháng 6 năm 2012, 7/9 thôn trong xã đã vào cuộc. Có 184 hộ hiến đất với trên 9.000 m2, 139 hộ hiến tài sản, tổng giá trị trên 1,7 tỷ đồng. Toàn xã đổ nền đường được 5,5km đường trục xã, 2km đường trục thôn, 5,7 km đường ngõ xóm…; huy động được 650 ngày công lao động, trị giá gần 70 triệu đồng và nhân dân đóng góp gần 200 triệu đồng mua vật liệu...
Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất, xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, luân canh tăng vụ. Tổ chức tập huấn kỹ thuật về cây ớt xuất khẩu và sử dụng phân bón cho nông dân. Tăng cường và nâng cao hiệu quả sản xuất cây vụ đông, giá trị thu nhập trên 1 ha năm 2010 đạt 61,5 triệu đồng, năm 2011 đạt 85 triệu đồng. Bình quân thu nhập đầu người năm 2010 là 6,5 triệu đồng, năm 2011 là 11,5 triệu đồng. Đến năm 2011, toàn xã có 8/9 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, 3/5 cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,98% năm 2010 xuống còn 8,5% năm 2011…
Theo đồng chí Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới Quách Văn Nhất, bài học kinh nghiệm rút ra ở Yên Quang sau gần 2 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới là tăng cường công tác tuyên truyền, bởi khi công tác tuyên truyền được làm tốt thì mọi người dân hiểu rõ được việc xây dựng nông thôn mới ai là chủ thể, từ đó nhân dân thực sự vào cuộc và mọi việc được thực thi thuận lợi và đạt kết quả cao.
Công khai trước nhân dân tất cả các nội dung từ khâu quy hoạch xây dựng đề án và tổ chức thực hiện đề án để mọi người dân nắm được (được biết, được bàn, đến khi làm hiệu quả cao hơn).
Một số công việc liên quan trực tiếp đến người dân nên để họ tự đóng góp lập dự toán, tự làm, chính quyền, ban quản lý, ban phát triển thôn chỉ đứng ra tổ chức, điều hành cho đồng bộ và tính thống nhất.
Những nơi gặp phải khó khăn vướng mắc như giải phóng hành lang liên quan đến đất đai, tài sản nên được đưa ra dân bàn thống nhất quyết định vì khi đưa ra dân bàn bản thân người có tài sản thấy được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nông thôn mới…
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh