Chúng tôi về Yên Quang vào một chiều cuối tháng 9, trời lất phất mưa nhưng người nông dân vẫn hăng say lao động trên những cánh đồng. Chỉ cách nhau một khoảnh ruộng nhưng chỗ thì đang thu hoạch lúa mùa, chỗ lại làm đất, trồng rau, nơi thì rau màu đã lên xanh tốt.
Chị Quách Thị Hòa, thôn Yên Ninh vui vẻ góp chuyện với chúng tôi: "Làm nông ăn nhau ở cây màu vụ đông chứ cấy lúa chỉ đủ gạo ăn, bởi cây lúa ở đây năng suất không cao chỉ 1-1,5 tạ/sào". Được biết, thu nhập của gia đình chị Hòa dựa chủ yếu vào 5 sào ruộng, hai đứa nhỏ lại đang tuổi ăn tuổi học nên cây màu vụ đông là cứu cánh cho kinh tế của gia đình. Chị nhẩm tính với 1 sào trồng rau chỉ trong thời gian 1,5-2 tháng có thể thu về 2-3 triệu đồng. Nếu trồng cây khoai sọ thì thu nhập còn khá hơn, khoảng 9-10 triệu/sào.
Đồng chí Hoàng Xuân ảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Quang cho biết: Vụ đông 2013-2014, toàn xã phấn đấu gieo trồng 443,2 ha, chiếm trên 92% diện tích canh tác. Trong đó, cây trồng chủ đạo vẫn là cây khoai sọ với 171 ha; các loại cây ưa ấm gồm ngô 95,1 ha, khoai lang 32,5 ha, lạc 27,9 ha, còn lại là khoai tây 37,5 ha, rau màu khác 40 ha. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Yên Quang đã có sự chuẩn bị rất sớm. Ngay từ vụ đông xuân, toàn xã đã đưa một số giống lúa ngắn ngày vào sản xuất, tạo quỹ đất cho sản xuất vụ đông. Bước vào sản xuất vụ mùa, Yên Quang đã áp dụng kỹ thuật gieo xạ trên diện tích 137 ha, do vậy lúa chín đều, thu hoạch nhanh, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất. Đến trung tuần tháng 9, toàn xã đã cơ bản thu hoạch xong lúa mùa, đồng thời bắt tay ngay vào sản xuất vụ đông. Đến thời điểm này, toàn xã đã gieo trồng được 6 ha lạc, 21 ha ngô, 10 ha khoai lang và 5,4 ha rau màu các loại. Nếu thời tiết thuận lợi, Yên Quang không chỉ đạt kế hoạch về cơ cấu, diện tích các cây trồng vụ đông chính mà còn có điều kiện trồng các cây rau màu khác.
Mặc dù đất đai không màu mỡ nhưng nông dân Yên Quang vẫn coi là "tấc đất, tấc vàng". Từ khá sớm, bà con nơi đây đã tiếp nhận phong trào sản xuất vụ đông của tỉnh, của huyện phát động một cách tự giác và trở thành truyền thống của địa phương. ở các thôn như Yên Bình, Yên Ninh, Yên Thủy, Yên Thái gần như 100% hộ dân tham gia sản xuất vụ đông. Đã xuất hiện nhiều hộ, nhóm hộ sản xuất vụ đông có thu nhập cao như: ông Bùi Nhật Hưng, thôn Yên Minh chuyên trồng khoai sọ và rau các loại, mỗi vụ gia đình ông trồng từ 5-7 sào. Do được HTX và các đoàn thể tập huấn kỹ thuật, tiếp thu các loại giống mới nên sau mỗi vụ sản xuất ông thu về 45-50 triệu đồng (bình quân 7-8 triệu đồng/sào).
Ông Hoàng Trung Thông, thôn Yên Thái, ông Hoàng Văn Lực, thôn Yên Phú và nhiều hộ dân khác mỗi vụ trồng từ 4-3 sào lạc, khoai lang cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ. Vụ đông năm 2012, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là do ảnh hưởng của cơn bão số 8 đã làm thiệt hại nhiều diện tích cây vụ đông ưa ấm nhưng nông dân Yên Quang vẫn không nản lòng. Kết thúc thời vụ, toàn xã gieo trồng được 336 ha cây trồng vụ đông các loại, đạt 82,3% so với kế hoạch đề ra. Các loại cây rau màu ưa lạnh được gieo trồng bổ sung đạt 60 ha, bằng 203% kế hoạch. Tổng thu nhập cây vụ đông năm 2012 toàn xã đạt 25,7 tỷ đồng, bình quân 76,6 triệu đồng/ha.
Phát huy những kết quả đạt được của vụ đông năm trước, những ngày này nông dân Yên Quang lại bắt tay vào sản xuất vụ đông với phương châm "sáng lúa, chiều cây vụ đông". Từ việc xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, xã đã chủ động lịch thời vụ, đồng thời tổ chức kiện toàn lại ban chỉ đạo sản xuất vụ đông ở các thôn. Tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, bố trí các loại cây trồng hợp lý, chú trọng mở rộng diện tích những cây có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời giao cho các HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức làm các mô hình, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung ứng giống cây trồng trên cơ sở thỏa thuận với nhân dân.
Bài, ảnh: Hà Phương