Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng khoai sọ, bà Hoàng Thị Hoa Nụ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ lâu đời, người dân Yên Quang đã trồng khoai sọ nhưng diện tích không nhiều. Đây là cây trồng đặc sản có tiếng không chỉ ở Ninh Bình mà toàn miền Bắc bởi chất lượng củ khi chế biến rất thơm ngon, bở và dẻo mà không một loại khoai sọ nào có được. 5-6 năm trở lại đây, do thị trường tiêu thụ thuận lợi, bán được giá nên nhiều hộ dân thay vì cấy lúa đã chuyển sang trồng khoai sọ. Hộ ít thì trồng 2-3 sào, hộ trồng nhiều đến 1 mẫu. Tại hầu hết các thôn đều hình thành các cánh đồng trồng khoai sọ tập trung. Năm 2016, diện tích trồng khoai sọ toàn xã đạt 117 ha.
Những ngày này, trên các cánh đồng thôn Yên Sơn, Yên Mỹ, Yên Ninh…, nông dân đang tất bật thu hoạch khoai sọ để tiếp tục trồng vụ mới. Thương lái đánh xe ô tô về tận hộ dân để thu mua sản phẩm. Bà Trương Thị Lịch, thôn Yên Sơn phấn khởi cho biết: "Vụ khoai sọ này được mùa.
Gia đình tôi có 3 sào, đến nay đã dỡ xong, chưa cân nhưng ước tính được hơn 1 tấn củ. Với giá bán 15 nghìn đồng/kg như hiện nay, dự kiến gia đình tôi thu về khoảng 15 triệu đồng, trừ chi phí lãi 12 triệu đồng".
Còn anh Lê Văn Dung, thôn Yên Mỹ thì cho hay: Vụ vừa rồi nhà anh chuyển từ giống khoai địa phương dọc trắng sang trồng khoai dọc tía hiệu quả cao hơn hẳn bởi khoai dọc tía thời gian sinh trưởng ngắn hơn chỉ khoảng 3 tháng (khoai dọc trắng là hơn 5 tháng), hơn nữa năng suất khoai dọc tía cao hơn khoai dọc trắng từ 15-20%.
Anh Dung cho biết thêm: Năm nay, thời tiết thuận lợi, khoai sọ được mùa hơn những vụ trước. Thu hoạch đến đâu chỉ cần làm sạch rễ và đất là được các thương lái cân hết đến đó. Giá bán từ 12-15 nghìn đồng/kg tùy loại, cao hơn năm ngoái 2-5 nghìn đồng/kg. Hiện anh đang chuẩn bị giống để tiếp tục trồng vụ khoai mới.
Giống như gia đình bà Lịch, anh Dung, nhiều hộ dân ở Yên Quang cũng có thu nhập 15-20 triệu đồng từ cây trồng này. Sản lượng khoai sọ chính vụ toàn xã năm nay ước đạt trên 600 tấn củ, tương đương khoảng hơn 8 tỷ đồng. Đây là nguồn thu đáng kể giúp người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Được biết, nhận thấy khoai sọ phù hợp với đồng đất của địa phương, chi phí sản xuất thấp, hiệu quả kinh tế cao nên những năm qua, xã Yên Quang có chủ trương đưa cây khoai sọ trở thành một trong những cây trồng chính trong chương trình phát triển kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, thời gian qua chủ trương này đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Đầu tiên phải kể đến là sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, chưa được doanh nghiệp ký kết bao tiêu nên giá cả bấp bênh.
Cụ thể như năm 2016, giá khoai sọ xuống thấp, chỉ còn 10-12 nghìn đồng/kg, lại khó bán dẫn đến nhiều nông dân bỏ hoặc giảm diện tích.
Đến đầu năm 2017 này giá khoai lên cao thì bà con lại không có để bán. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân về nguồn giống, về tập quán canh tác…
Do vậy, thời gian tới để giúp người dân có thu nhập cao và ổn định từ cây khoai sọ rất cần có quy hoạch cụ thể của các ngành chức năng trong tỉnh cũng như của huyện Nho Quan trong bố trí vùng sản xuất, lựa chọn giống, xây dựng thương hiệu, tìm mối liên kết để tiêu thụ… cho loại cây trồng này.
Hà Phương