Yên Phong có diện tích đất tự nhiên trên 755 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 70%; xã có 16 thôn, xóm với hơn 2.300 hộ, trên 9.000 khẩu. Ngay từ khi triển khai phát động xây dựng NTM, địa phương đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ đó, đã huy động được các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cùng chung tay, góp sức tham gia xây dựng NTM.
Diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đường giao thông được bê tông hóa phong quang, sạch đẹp, kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với các mô hình chuyển đổi sản xuất tập trung có hiệu quả cao, thu nhập của người dân được tăng lên.
Đến nay, Yên Phong có 100% trục đường xã được nhựa hóa và bê tông hóa; hệ thống cơ sở hạ tầng khác đáp ứng yêu cầu phát triển của xã; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 1,8%.
Ông Phạm Cao Chi, Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết: Hiện nay, xã Yên Phong còn 6 tiêu chí cơ bản đạt và 2 tiêu chí chưa đạt (gồm: tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm). Với mục tiêu về đích vào cuối năm nay, Đảng bộ, chính quyền xã xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao và sự đồng lòng, chung sức của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với lộ trình đề ra, Yên Phong đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Cụ thể đối với tiêu chí số 2 về giao thông, với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm" Yên Phong đang tập trung cải tạo, nâng cấp 110 tuyến đường giao thông nông thôn và liên thôn với chiều dài 9,5km. Dự kiến toàn xã sử dụng 800 tấn xi măng của tỉnh cấp và nhân dân đóng góp 2,4 tỷ đồng để hoàn thành các tuyến đường trên.
Bên cạnh đó, địa phương cũng huy động vốn để nâng cấp đoạn đường từ đường 480 vào trường tiểu học, xây dựng cầu Đền Thánh nối qua sông Vĩnh Lợi, nâng cấp tuyến từ đường 480 đến cầu Đền Thánh, sửa chữa nâng cấp một số tuyến đường trục chính nội đồng.
Địa phương cũng xác định một trong những tiêu chí đang gặp khó khăn hiện nay là tiêu chí về trường học. Mặc dù các cấp học trên địa bàn xã đều đã đạt chuẩn nhưng một số hạng mục công trình bị xuống cấp cần sửa chữa hoặc cần xây mới thêm một số phòng học để đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy và trò. Đặc biệt là tại các điểm trường mầm non, do địa bàn rộng, dân cư đông, số trẻ học mầm non cũng đông hơn nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện nên hiện nay Yên Phong đang có 4 điểm trường.
Tuy nhiên, điểm trường Thọ Bình cơ sở vật chất đã xuống cấp, các điểm trường khác cơ sở vật chất chưa hoàn thiện và thiếu phòng học, thiếu các khu chức năng.... Thực hiện chủ trương của tỉnh và của huyện, mỗi xã có không quá 3 điểm trường mầm non, Yên Phong đang tập trung xây dựng thêm các phòng học, tường bao, khuôn viên để đưa trẻ tại khu vực Thọ Bình vào học tại các điểm trường: Khương Dụ, Vân Thành, Hoàng Bắc. Ngoài ra, xã tiến hành sửa chữa, cải tạo một số phòng học, tu sửa lại hệ thống cửa, chỉnh trang hàng rào, quét vôi ve tại trường tiểu học và trung học cơ sở.
Về tiêu chí tổ chức sản xuất, Yên Phong có tiềm năng phát triển cây hàng hóa, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, trong đó có 80% diện tích đất nông nghiệp sản xuất được vụ đông. Chính vì vậy xã tập trung thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện và của xã, xây dựng các mô hình chuyển đổi sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như: trồng chuối, trồng cây ăn quả kết hợp nuôi cá....Địa phương có chính sách hỗ trợ: 5 triệu đồng/ mô hình có diện tích chuyển đổi từ 5ha trở lên; 2 triệu đồng/mô hình có diện tích trên 2 ha.
Đồng thời tiếp tục phát triển cây trồng vụ đông gắn với việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Song song với việc phát triển nông nghiệp hàng hóa, Yên Phong vận động nhân dân mở rộng một số ngành nghề mới, đồng thời duy trì nghề đan bèo bồng, đan cói và một số ngành nghề dịch vụ thu hút nhiều lao động tham gia như: xây dựng, mộc, may.
Riêng với tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, hiện chợ Lồng của xã đã được đầu tư giai đoạn 1 với các hạng mục như: cổng, tường bao, móng ki ốt, rãnh thoát nước. Hiện nay địa phương đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 gồm: xây ki ốt, lán bán thủy sản, đường bê tông nội bộ, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối quý I năm 2018.
Giáng Hương