Ông Phạm Minh Hòa, 76 tuổi ở thôn Cộng Hòa phấn khởi nói: Trước đây, gia đình tôi phải hứng nước mưa bằng vòi mo cau vào chum, vại để dự trữ. Gặp khi trời hạn thì dùng nước giếng làng, thậm chí dùng cả nước ao, hồ, đánh phèn cho trong để ăn uống, tắm giặt.
Năm 2002, Nhà máy nước Yên Phong được xây dựng và đi vào hoạt động trong niềm vui của những người dân thôn quê. Nhưng, niềm vui ấy không kéo dài được bao lâu thì đến năm 2012, Nhà máy nước đóng cửa và thế là để có nước sạch, nhà nhà lại thi nhau đào giếng khoan. Có nhà khoan tới 70-80 m mà vẫn không có nước.
Nhà tôi may mắn đào được giếng nước, song nước ở đây không nhiều, lại vàng như nghệ và có mùi tanh. Để khắc phục, gia đình phải xây 3 bể nước để lắng lấy nước trong dùng sinh hoạt. Biết là không đảm bảo vệ sinh vẫn phải dùng vì không còn cách nào khác.
Chỉ tay về phía chiếc đồng hồ nước cũ mà trước đây gia đình đã lắp đặt, ông Hòa bảo: Nó đã nằm im cách đây suốt 4 năm rồi, bây giờ không còn tác dụng nữa vì gia đình đã sử dụng đồng hồ cấp nước mới của Chi nhánh cấp nước Yên Mô (Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình).
Đều đặn 2 ngày Chi nhánh thực hiện cấp nước 1 lần, chỉ cần vặn vòi nước là dùng thoải mái mà lại sạch sẽ, sức khỏe bảo đảm, gia đình tôi cũng như nhiều người khác trong thôn rất phấn khởi, hạnh phúc. Chiếc đồng hồ đo nước cũ, tôi vẫn giữ như một kỷ niệm, nhắc nhở các thành viên trong gia đình biết dùng nước tiết kiệm và trân trọng hơn niềm vui, niềm hạnh phúc được dùng nước sạch như ngày hôm nay.
Niềm vui của ông Hòa cũng là niềm vui chung của nhiều người dân Yên Phong đang được dùng nước sạch. Ông Phạm Văn Sin, Trưởng thôn Phú Mỹ cho biết: Suốt 4 năm qua, người dân ở Yên Phong luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Phần lớn nước sinh hoạt đều dựa vào nguồn nước thiên nhiên (nước mưa và nước giếng khoan).
Tuy nhiên, hầu hết nước ở các giếng tự đào đều nhiễm các chất can xi, sắt, thậm chí một vài nhà bị nhiễm mặn, do đó nước luôn có vị lợ. Chất lượng nguồn nước không đảm bảo, nhiều hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Còn nhớ, mùa hè năm trước, để có nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải đi mua nước với giá trung bình 70.000 đồng/1m3, cá biệt có thời điểm "khát" nước, người dân phải mua tới 90.000 đồng/1m3 nước.
Bỏ tiền ra mua nước với giá cao nhưng nhiều người băn khoăn, không biết nước đó có sạch không vì mua của tư nhân chở bằng xe bồn. Vì thế, hôm nay có được nước sạch để dùng là ước mơ của nhiều người dân trong thôn, trong xã.
Ông Trần Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong bày tỏ: Năm 2002, được sự quan tâm, hỗ trợ từ Dự án "Vệ sinh môi trường" của Chi cục Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Nhà máy nước Yên Phong được đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn trên 3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 500 triệu đồng và giao cho xã quản lý, vận hành nhà máy nước.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động, Nhà máy nước đã bộc lộ những hạn chế như: đường ống cấp nước bị hỏng dẫn đến thất thoát lớn. Mặc dù mỗi năm, xã trích khoảng 30-400 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp nhưng không thể bù lỗ. Đến năm 2012, Nhà máy phải đóng cửa, người dân lại loay hoay tìm mọi cách để có nước sinh hoạt.
Năm 2015, trước kiến nghị của người dân Yên Phong, UBND tỉnh đã quyết định giao toàn bộ Nhà máy nước Yên Phong cho Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình quản lý, vận hành. Đây thực sự là giải pháp tối ưu, tháo gỡ những bế tắc cho chính quyền địa phương giải bài toán nước sạch cho người dân trong nhiều năm qua.
Đến tháng 4-2016, nhân dân ở 2 thôn Phú Mỹ, Cộng Hòa đã được dùng nước sạch. So với nhu cầu thực tế của người dân Yên Phong thì còn rất khiêm tốn. Song chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, 100% thôn xóm trên địa bàn xã sẽ sớm được dùng nước sạch.
Trở lại Yên Phong vào những ngày hè nắng nóng, chúng tôi thấy từng tốp thợ của Chi nhánh cấp nước Yên Mô đang cần mẫn dò đào từng mét đường bê tông để đào đường ống nước.
Anh Vũ Đức Hoàng, nhân viên kỹ thuật (Chi nhánh cấp nước Yên Mô) gạt những giọt mồ hôi trên mắt phân trần: Công việc tiếp quản Nhà máy nước Yên Phong về Chi nhánh cấp nước Yên Mô rất vất vả.
Vì hệ thống đường ống nước của Nhà máy nước Yên Phong được xây dựng hơn chục năm nay, nhiều chỗ hư hỏng nặng, trong khi đó mặt đường lại được đổ bê tông và vị trí các tuyến đường được thay đổi nhiều nên việc lật từng mét đường bê tông để dò tìm đường ống cũ là không hề đơn giản.
Song trước nhu cầu dùng nước sạch của người dân, từ nhiều ngày qua, các công nhân của chi nhánh đã nỗ lực không có ngày nghỉ để mong sao sớm hoàn thành việc sửa chữa đường ống, cung cấp nước cho người dân.
Những ngày này, các tổ đội của Chi nhánh cấp nước Yên Mô vẫn đang hoạt động miệt mài, phấn đấu trong năm 2016 cung cấp nước sạch cho toàn bộ các hộ ở xã Yên Phong.
Đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa, bởi việc giải quyết được nguồn nước cho sinh hoạt sẽ tạo điều kiện cho chăn nuôi và trồng trọt phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn.
Bài, ảnh: Mai Lan