Trước khi giữ trọng trách Phó Chủ tịch UBND xã, ông Trần Văn Dung đã có tới 13 năm làm Chủ nhiệm HTX. Bởi vậy mà với ông, những thuận lợi hay khó khăn trong phát triển kinh tế của xã Yên Phong như thế nào thì ông thuộc nằm lòng. Chia sẻ về nguyên nhân tỷ lệ nghèo cao vào những năm 2010-2013, ông Dung cho biết, kinh tế của Yên Phong chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Vậy nhưng điều kiện để phát triển sản xuất lại không thuận lợi do diện tích ruộng bậc thang lớn, manh mún… Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa năng suất cao vào canh tác còn hạn chế, bởi vậy mà năng suất, thu nhập từ đồng ruộng thấp. Chưa thể sống vững được bằng nghề nông, trong khi đó thì việc làm thêm lúc nông nhàn cho người dân thì hầu như chưa có gì. Đời sống của nhân dân vì thế mà bộn bề khó khăn. Trước thực tế đó, lãnh đạo xã Yên Phong đã đề ra nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động và quan tâm chỉ đạo các Hội, các đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân. Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo của xã được thành lập, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các thành viên trong Ban chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu cao vai trò trong việc kiểm tra, giám sát và có nhiều kiến nghị, đề xuất giúp các thôn trong xã thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo.
Công tác tuyên truyền về xóa đói, giảm nghèo được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú như tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình quốc gia xóa đói, giảm nghèo, những mục tiêu, giải pháp của địa phương; những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao… giúp người dân có thể vận dụng làm theo. Nhờ đó, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói, giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế của các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức điều tra xác định hộ nghèo được xã tiến hành nghiêm túc. Việc rà soát hộ nghèo là cơ sở quan trọng để xã tổng hợp, phân tích, tìm ra nguyên nhân dẫn đến nghèo, tái nghèo, để có những giải pháp giảm nghèo phù hợp với điều kiện địa phương và hoàn cảnh của các gia đình. Cùng với đó, tranh thủ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp & PTNT, xã mở các lớp tập huấn cho các đối tượng là hộ nghèo tại các thôn, xóm cho bà con. Từ đó giúp bà con nâng cao hiểu biết về KHKT, ứng dụng trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất nông nghiệp, bắt đầu từ năm 2013, xã Yên Phong đã thực hiện dồn điền, đổi thửa. Mỗi gia đình từ 4-6 mảnh ruộng nay chỉ còn từ 1-3 mảnh, nhiều hộ chỉ có 1 mảnh. Dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện cho bà con đưa cơ giới hóa và ứng dụng KHKT vào sản xuất. Đến nay, xã có trên 65% diện tích đất nông nghiệp trồng lúa chất lượng cao. Ngoài ra, xã cũng quy hoạch vùng sản xuất cây vụ đông với diện tích từ 180-200ha. Bà con chủ yếu trồng cây hàng hóa như ngô ngọt, ớt xuất khẩu và dưa chuột… cung cấp cho các doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký kết. Cây vụ đông đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Tính riêng năm 2016, thu nhập từ sản xuất vụ đông đạt 8,5 tỷ đồng, gấp hai lần trồng lúa.
Một điểm nổi bật nữa trong công tác giảm nghèo của xã Yên Phong là ngoài nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xã còn quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Theo đó, xã đã căn cứ vào thế mạnh của địa phương và nhu cầu của người lao động để đưa vào dạy nghề đan cói, đan bèo bồng. Đến nay, nghề vẫn được duy trì tốt với trên 500 lao động làm nghề, thu nhập đạt từ 2-4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt là những người già, người khuyết tật đều có thể làm được nghề để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đối với lao động trẻ, xã đưa vào dạy nghề may công nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, người lao động có nhiều cơ hội để tìm việc làm ổn định với mức thu nhập cao hơn ở các công ty lớn, doanh nghiệp nhỏ đóng chân trên địa bàn thị trấn hoặc vài vùng lân cận. Ngoài ra, toàn xã có khoảng 600-700 lao động đi làm nghề thợ xây với mức lương khá tốt… Với nỗ lực đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 4,34% và phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống còn dưới 4% vào cuối năm 2017.
Ông Trần Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết thêm, không chỉ dừng lại ở xóa đói, giảm nghèo, người dân Yên Phong còn ấp ủ và có nhiều nỗ lực để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhiều mô hình kinh tế mới đã hình thành và bước đầu cho hiệu quả cao. Tiêu biểu như mô hình của hộ gia đình anh Đỗ Văn Quyên, ở xóm Quán. Anh Quyên là một trong những người đầu tiên của xã dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư gần một tỷ đồng vào nông nghiệp. Anh Quyến vốn có mô hình trồng nấm cho hiệu quả cao, mỗi năm cũng thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, vừa qua, từ 1,5ha ruộng đất tích tụ được anh Quyên đưa vào trồng chuối Thái Lan và ổi Đài Loan. Đến nay, vườn chuối, ổi của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Quyên chia sẻ, tham quan mô hình trồng chuối Thái Lan của một người bạn, nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây trồng này nên tôi đã đưa vào trồng thử nghiệm. Ngoài ra, tôi trồng thêm giống ổi Đài Loan. Giống ổi này cho thu hoạch sớm, đầu năm trồng thì cuối năm thu. Ưu điểm của giống là quả sáng bóng, thơm ngon, cho năng suất cao và được thị trường ưa chuộng.
Những mô hình kinh tế như gia đình anh Quyên ngày càng được nhân rộng. Ngoài ra, ở địa phương còn xuất hiện nhiều mô hình khác như: mô hình nuôi cá ao nổi của gia đình anh Bỗng ở xóm Thượng Bình; mô hình nuôi cá kết hợp trồng chuối, ổi của gia đình anh Điều ở xóm Trung Trại, ngoài ra còn nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn… Nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển, mở rộng trang trại, đến nay các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho bà con vay vốn với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Qua khảo sát, bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.
Đào Hằng