Hiện nay trên địa bàn xã Yên Mỹ có 2 nghề chính được duy trì và phát triển, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn là nghề mộc và nghề thêu ren xuất khẩu. Nghề mộc ở Yên Mỹ là nghề truyền thống, những người thợ cao niên nhất ở đây cho biết từ khi lớn lên đã thấy cha, ông làm nghề này. Khi đó cả làng làm nghề, làng thành lập nên nhiều nhóm thợ hành nghề ở khắp nơi, chủ yếu là làm nhà. Khi xã hội phát triển thì đồ mộc càng được ưa chuộng và tính thẩm mỹ cũng đòi hỏi cao hơn, yêu cầu của khách hàng cũng khắt khe hơn. Nghề mộc lại chuyển mình theo cách sản xuất khác, những hộ nào có đủ điều kiện thì đầu tư mua máy móc, thiết bị hiện đại, lập các xưởng sản xuất với quy mô lớn hơn, còn những hộ không đủ tiềm lực thì đi làm công cho các xưởng khác hoặc tìm kiếm công việc khác để làm.
Đến nay, xã Yên Mỹ có trên 40 cơ sở sản xuất các sản phẩm mộc gia dụng, mộc cao cấp, mộc xây dựng... Các cơ sở sản xuất không chỉ tạo việc làm cho lao động của gia đình mà còn giải quyết việc làm cho 3-7 lao động tại địa phương. Giá trị sản xuất từ nghề mộc đã đóng góp 60 - 65% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của toàn xã.
Ông Nguyễn Văn Dưỡng (xóm 4) chủ một xưởng mộc tâm sự: Sau khi kế tiếp nghề mộc của cha ông để lại, nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, ông đã đầu tư đầy đủ các loại máy móc và sản phẩm chính mà xưởng mộc của ông sản xuất ra là hàng tiện, tuốt chỉ, trần, phào... Khi đưa máy móc hiện đại vào sản xuất đã giảm được sức lao động mà năng suất lại cao hơn rất nhiều. Mỗi năm xưởng mộc xuất bán lượng hàng trị giá hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí gia đình ông cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra còn giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập từ 2,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với nghề mộc, những năm gần đây, nghề thêu ren ở Yên Mỹ cũng phát triển khá mạnh; sự hình thành HTX thêu ren xuất khẩu đã thúc đẩy nghề thêu ren trở thành một nghề phụ quan trọng giải quyết vấn đề lao động trong lúc nông nhàn. Đây là một nghề phù hợp với lao động nữ, đặc biệt trong điều kiện xã Yên Mỹ kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để giúp phụ nữ tiếp cận và có tay nghề, hàng năm HTX đều tổ chức các lớp dạy nghề, năm 2011 đã tổ chức được 2 lớp dạy nghề thêu ren cho 80 lao động, chủ yếu về kỹ thuật thêu tay, sau khi thành thạo những lý thuyết cơ bản và thực hành cho quen tay, chị em được trực tiếp thực hành trên sản phẩm là đơn hàng của HTX. Hiện nay, HTX thêu ren xuất khẩu đã giải quyết việc làm cho trên 300 lao động với thu nhập từ 40-50.000 đồng/người/ngày.
Như vậy, từ việc đẩy mạnh phát triển ngành nghề trong nông thôn, trong những năm qua, hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã Yên Mỹ đã có bước phát triển, năm 2011, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ước đạt 9 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập khá, góp phần nâng cao mức sống của người nông dân và diện mạo của quê hương.
Hương Giang