Quan tâm đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng
Xác định cơ sở hạ tầng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, do vậy huyện Yên Mô đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong gần 10 năm (2011-2018), toàn huyện đã huy động 4.883 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó vốn ngân sách gần 2.200 tỷ đồng, vốn tín dụng 824 tỷ đồng, huy động nguồn vốn khác từ con em quê hương, các tổ chức ủng hộ là 78 tỷ đồng; huy động sự đóng góp của nhân dân là trên 1.600 tỷ đồng (tiền, công lao động, nguyên vật liệu để làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây mới, sửa chữa nhà ở). Từ nguồn vốn huy động, các địa phương có điều kiện sớm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, các xã đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi và các công trình phục vụ phát triển kinh tế- xã hội như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, xóm. Trong 7 năm (2012-2018), các xã trên địa bàn huyện đã được tiếp nhận gần 20 nghìn tấn xi măng để nâng cấp 303,5 km đường giao thông; cứng hóa 152,5 km đường trục chính nội đồng. Đến nay 100% trục đường tới trung tâm các xã được nhựa hóa, bê tông hóa, 100% thôn, xóm có đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa, đường giao thông trục chính nội đồng cơ bản được cứng hóa, đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận lợi, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất. Đến nay đã có 14 xã đạt tiêu chí về giao thông (tăng 14 xã so với năm 2011). Hệ thống công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh. Cùng với đó, ngành điện đã đầu tư xây dựng mới 12 công trình, nâng cấp, sửa chữa 36 công trình đường dây lưới điện. Đến nay hệ thống điện trên địa bàn huyện đã đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, có 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ điện lưới quốc gia; tất cả các xã đã đạt và cơ bản đạt tiêu chí điện (tăng 7 xã so năm 2011).
Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay đã có 44/48 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 14/16 trường Mầm non đạt chuẩn, tăng 8 trường so với năm 2011; 16/16 trường Tiểu học đạt chuẩn mức độ 1, có 14/16 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Toàn huyện có 13/16 xã hoàn thành tiêu chí trường học.
Cơ sở vật chất văn hóa cũng được huyện chú trọng đầu tư xây dựng. Gần 10 năm qua, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới 11 nhà văn hóa xã, nâng cấp chỉnh trang 12 sân vận động trung tâm xã; xây dựng mới 1 trụ sở, nâng cấp, cải tạo 12 trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã; xây dựng mới 81 nhà, nâng cấp 24 nhà văn hóa thôn, xóm. Nhờ vậy, đến nay, 100% xã, thôn, xóm trên địa bàn huyện đã có nhà văn hóa và điểm vui chơi, giải trí, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư nông thôn.
Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Để rút ngắn dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, Yên Mô đã quan tâm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Năm 2014, huyện đã hoàn thành công tác chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ đã giảm từ 3,8 thửa xuống 1,9 thửa; diện tích đất ngân sách cơ bản được dồn đổi tập trung theo quy hoạch, qua đó tạo điều kiện hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hầu hết diện tích đất canh tác được làm đất bằng máy, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần giải phóng sức lao động. Đặc biệt, quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, Yên Mô chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời tập trung xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, kỹ thuật, thị trường. Hiện nay, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của huyện đã đạt trên 60%. Nhiều mô hình chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang được nhân rộng như: mô hình canh tác 4 vụ/năm, sản xuất chuối-cá, ao nổi, nuôi thỏ Newzealand, ếch, chạch sụn... Toàn huyện đã chuyển đổi được 724,4 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới (600,4 ha sản xuất cá-lúa, 29,6 ha ao nổi và 94,5 ha trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản). Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác năm 2018 đạt 117,9 triệu đồng, tăng 22,6 triệu đồng so năm 2011.
Cùng với quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Yên Mô chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch tích cực ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đã được triển khai thực hiện, qua đó đã thu hút được 25 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy may mặc, giầy da xuất khẩu, sản xuất gốm sứ..., nhất là đã thu hút được doanh nghiệp FDI (Công ty TNHH giầy da ATHENNA đầu tư tại Cụm công nghiệp xã Yên Lâm, giải quyết việc làm ổn định cho 7.000 lao động). Các nghề: mộc, nề, sản xuất vật liệu xây dựng, thảm cói, thêu ren... được duy trì, phát triển ổn định đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động lúc nông nhàn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Mô đã có những chuyển biến tích cực. Vai trò chủ thể của nông dân có sự chuyển biến rõ nét, nhân dân phấn khởi, tin tưởng và tích cực chung sức tham gia thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 38 triệu đồng/năm, tăng 18,5 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm còn 3,75% (giảm 8,74% so với năm 2011); tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 91,5%. Đây là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong những năm tới, phấn đấu đưa Yên Mô trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2021.
Mai Lan