Trong 20 năm qua, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho Ngân hàng CSXH cũng như quan tâm chỉ đạo bố trí về địa điểm, thời gian, đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại điểm giao dịch xã.
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, Ngân hàng CSXH huyện đã cho vay thông qua mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được thành lập theo địa bàn dân cư (theo thôn, xóm, phố). Đến ngày 30/6/2022, trên địa bàn huyện có 330 Tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả, thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 11.412 thành viên.
Tổng nguồn vốn tại Ngân hàng CSXH huyện là 476.485 triệu đồng, tăng 451.702 triệu đồng (gấp 19,2 lần) so với thời điểm mới thành lập, trong đó nguồn vốn từ Trung ương đạt 451.091 triệu đồng, tăng 426.446 triệu đồng; Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 25.394 triệu đồng, tăng 25.256 triệu đồng (trong đó, vốn ủy thác từ ngân sách huyện là 3.263 triệu đồng; vốn ủy thác từ nguồn ngân sách tỉnh là 22.131 triệu đồng); nguồn vốn nhận tiền gửi của các thành viên Tổ TK&VV đạt 23.289 triệu đồng; nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân, tiền gửi dân cư là 35.286 triệu đồng.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện không ngừng nâng lên đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Khi mới thành lập chỉ cho vay 3 chương trình tín dụng, đến nay trên địa bàn huyện đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách. Tổng doanh số cho vay trong 20 năm là 1.554.406 triệu đồng/82.751 lượt hộ. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2022 là 450.317 triệu đồng với 11.476 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 450.676 triệu đồng và gấp 19,3 lần so với khi mới thành lập.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 12.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 4 nghìn lao động (hơn 500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 19 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 20 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 100 căn nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Giai đoạn 2001-2005, tỷ lệ hộ nghèo là 7,5%, đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 1,46%, góp phần đưa huyện Yên Mô là đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Nhân dịp này, đã có nhiều tập thể, cá nhân đã được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ.
Tiến Đạt- Trường Giang