Đám cưới của gia đình cô dâu Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Phó bí thư chi đoàn xóm 1 Đông Sơn, xã Yên Mạc vừa tổ chức theo mô hình đám cưới văn minh, tiết kiệm được đông đảo ĐVTN cũng như người dân trong xã đón nhận. Với sự phối hợp, góp sức của Chi đoàn, Đoàn xã, lễ cưới được tổ chức gọn nhẹ, trang trọng, vui tươi, ấm cúng, mang phong cách của đám cưới truyền thống và cả hiện đại. Khách tới dự cưới đa phần là anh em, bạn bè, gia đình dòng tộc, hàng xóm láng giềng thân thiết của gia đình.
Cô dâu Nguyễn Thị Quỳnh Trang (sinh năm 1992) cho biết: Là cán bộ Đoàn cơ sở, hiểu rõ lợi ích cũng như nét đẹp văn hóa trong thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm, nhất là trong gia đình có 4 anh em thì anh trai đã tổ chức cưới theo mô hình này từ mấy năm trước, đồng thời được bố mẹ ủng hộ, động viên nên tôi càng quyết tâm thực hiện đám cưới của mình theo nếp sống mới. Đây là niềm hạnh phúc khởi đầu cho cuộc sống hôn nhân sau này.
Theo tôi, việc tổ chức đám cưới đơn giản, gọn nhẹ không ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, thậm chí còn tạo điều kiện cho bản thân và gia đình giữ gìn sức khỏe, tiết kiệm được tiền bạc. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều bạn trẻ tiếp tục hưởng ứng phong trào cưới văn minh, tiết kiệm hơn nữa.
Lễ cưới là việc hệ trọng của đời người, do đó lễ cưới từ xưa đến nay được mọi người rất coi trọng. Việc tổ chức các đám cưới linh đình, sử dụng nhiều dịch vụ cưới hỏi cầu kỳ sẽ gây tốn kém, lãng phí. Để giảm thiểu những chi phí không cần thiết, hướng đến những đám cưới văn minh, tiết kiệm, nêu cao tinh thần xung kích của ĐVTN, Huyện đoàn Yên Mô đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc tổ chức đám cưới theo các Chỉ thị, văn bản hướng dẫn của Bộ Chính trị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Đặc biệt, từ năm 2007, Huyện đoàn Yên Mô đã phát động sâu rộng cuộc vận động cưới "văn minh, tiết kiệm" trong ĐVTN. Theo mô hình này, lễ cưới được khuyến khích tổ chức bằng tiệc ngọt, lượng khách mời có giới hạn trong nội bộ dòng tộc, cơ quan, láng giềng và bạn bè thân thích, khuyến khích hình thức báo hỷ thay cho thiệp mời dự lễ cưới, dự tiệc.
Địa điểm cưới do 2 gia đình thống nhất lựa chọn nhưng khuyến khích tổ chức tại hội trường cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa khối phố, thôn xóm hoặc tại gia đình; thời gian tổ chức tiệc cưới không ảnh hưởng tới thời gian làm việc theo quy định của Nhà nước. Trang phục của cô dâu chú rể đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hóa dân tộc, khuyến khích sử dụng áo dài truyền thống, khuyến khích cô dâu, chú rể đặt hoa, trồng cây tại đài tưởng niệm liệt sĩ, di tích lịch sử, văn hóa trước ngày cưới.
Lễ cưới được tổ chức gọn nhẹ, nhưng đảm bảo không khí vui tươi, lành mạnh, không ăn uống linh đình nhiều ngày gây lãng phí, tốn kém thời gian, tiền bạc; không uống rượu bia say, không hút thuốc lá trong tiệc cưới; không dùng nhạc với cường độ âm thanh cao; giữ gìn an ninh trật tự, chấp hành Luật Giao thông khi tổ chức lễ cưới và đưa đón dâu; các nghi lễ cưới hỏi rút gọn từ 5-6 nghi lễ xuống còn 1- 2 nghi lễ. Đa số các đám cưới bằng tiệc ngọt, giá thành giảm chỉ bằng 1/10 so với tiệc mặn, mà vẫn đảm bảo vui tươi, trang trọng.
Đặc biệt, trong mô hình đám cưới văn minh, tiết kiệm, cán bộ Đoàn cơ sở tự đứng ra làm chủ hôn trong lễ cưới của đoàn viên, đoàn đứng ra lo làm phông bạt, tổ chức văn nghệ, trang bị loa đài, phục vụ trực tiếp tại đám cưới, có quà của chi đoàn tặng cô dâu chú rể trong ngày vui, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tạo cảm giác thân mật, gần gũi.
Để Cuộc vận động cưới văn minh, tiết kiệm nhận được sự hưởng ứng, thực hiện của đông đảo ĐVTN, Ban thường vụ Huyện đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng hình thức trực quan, tuyên truyền miệng và qua các phương tiện thông tin truyền thông của Đoàn và của địa phương.
Các cấp bộ đoàn đã xây dựng các tiểu phẩm, tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi, tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình đoàn viên, tuyên truyền từ các cá nhân điển hình tiêu biểu xung kích đi đầu trong thực hiện đám cưới văn minh tiết kiệm; từ đó các tiêu chí "6 không" trong tổ chức cưới văn minh tiết kiệm… được triển khai mạnh mẽ; qua đó nâng cao nhận thức cho ĐVTN, đồng thời tạo dư luận ủng hộ thực hiện nếp sống mới, dần hạn chế tổ chức các đám cưới xa hoa, lãng phí, vi phạm các quy định của pháp luật và quy ước của cộng đồng dân cư.
Ngoài việc đưa các quy định, hướng dẫn tổ chức đám cưới văn minh tiết kiệm vào nội dung sinh hoạt các chi đoàn, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh 3 cấp theo kiểu "mưa dầm thấm sâu", tổ chức Đoàn còn phối hợp chặt chẽ với cán bộ tư pháp xã nắm chắc danh sách ĐVTN đăng ký kết hôn, trên cơ sở đó cán bộ Đoàn gặp gỡ gia đình cô dâu, chú rể vận động đăng ký tổ chức đám cưới theo nếp sống mới.
Sau đó thống nhất nội dung lễ cưới và nhận giúp các phần việc như trang trí, đảm nhận vai trò chủ hôn, tiếp khách chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, là tuyên truyền viên ngay tại đám cưới về thực hiện cưới văn minh tiết kiệm, mỗi bàn tiếp khách cũng như trước rạp cưới ĐVTN dán tờ rơi tuyên truyền về nội dung "6 không" trong thực hiện cưới văn minh tiết kiệm để tuyên truyền tới khách dự lễ cưới, đảm bảo ấn tượng, đồng thuận của gia đình và khách tới dự lễ cưới.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện hằng năm tổ chức hàng chục đám cưới văn minh tiết kiệm trong đoàn viên thanh niên. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện tổ chức 35 đám cưới văn minh tiết kiệm theo mô hình "6 không". Phấn đấu hết năm 2016, huyện Yên Mô sẽ tổ chức được trên 80 đám cưới văn minh tiết kiệm. Tiêu biểu là mô hình cưới văn minh tiết kiệm của đoàn xã Yên Mạc, Yên Phong, Yên Lâm, Yên Đồng…
Tiến Minh