Huyện Yên Mô có 8.600 ha đất nông nghiệp, trong đó có 1.000 ha đất màu và đất lúa-màu, 6.800 ha đất cấy hai vụ lúa (trong đó có trên 1.500 ha đất ruộng trũng) và 800 ha nuôi trồng thủy sản. Phần lớn diện tích đất ruộng trũng thuộc các xã Yên Thái, Yên Đồng, Yên Thành, Yên Hòa, Yên Thắng và Yên Mạc...Trước năm 2010, những diện tích trũng này chỉ có sản xuất vụ xuân là ăn chắc, còn vụ mùa sản xuất lúa bấp bênh, thường xuyên bị ảnh hưởng úng lụt trong mùa mưa bão, năng suất và hiệu quả thấp. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là từ năm 2014 huyện đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng cơ bản được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các hộ gia đình có điều kiện mạnh dạn tập trung ruộng đất chuyển đổi sang sản xuất lúa-cá, trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Tính từ năm 2015-2018, huyện Yên Mô đã chuyển đổi được 573,3 ha ruộng trũng sang sản xuất lúa-cá cho giá trị thu hoạch từ 180-200 triệu đồng/ha, cao hơn cấy lúa từ 2-2,5 lần. Trên diện tích chuyển đổi sản xuất lúa-cá, các hộ tiến hành đào đắp ao, đào mương ở 1 phía hoặc xung quanh ruộng chiếm 20% diện tích, phần còn lại để cấy lúa.
Theo ông Đỗ Thanh Nghị, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, tuy có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa truyền thống nhưng hình thức chuyển đổi trên cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, vì theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa diện tích đào đắp, hạ thấp mặt bằng chỉ có 20% diện tích chuyển đổi.
Như vậy, diện tích nuôi thủy sản thực tế của các hộ chỉ chiếm từ 10-15% diện tích chuyển đổi, năng suất cá chỉ đạt bình quân từ 2-2,7 tấn/ha/năm. Mặt khác, hầu hết chất đất ở các xã chiêm trũng của huyện như: Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Thái, Yên Mạc... bị chua, tầng canh tác mỏng, sau 20-30 cm lớp đất mặt là đến tầng đất sét, có độ pH thấp nên sau khi đào đắp phải tiến hành cải tạo nhiều năm mới có thể thả cá được. Lượng đất sau khi đào ao mương không thể tận dụng làm bờ, làm vườn để trồng cây ăn quả. Các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa trong ao nuôi thường không đảm bảo nên năng suất nuôi đạt thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa bền vững.
Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế trên, năm 2017 huyện Yên Mô triển khai thí điểm chuyển đổi đất ruộng trũng sang xây dựng ao nổi nuôi thâm canh thủy sản tại xã Yên Thắng với quy mô 3 ha, bước đầu đã cho kết quả rất khả quan với giá trị thu hoạch 1 ha canh tác đạt 350 triệu đồng/năm. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, năm 2018 huyện đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các xã mở rộng diện tích với quy mô trên 29 ha tại địa bàn 6 xã: Yên Thái, Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Hòa, Yên Từ và Yên Mỹ.
Ông Đỗ Thanh Nghị, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết thêm: Sau 3 năm triển khai tổ chức sản xuất thâm canh thủy sản theo hình thức ao nổi cho thấy đây là mô hình canh tác tiên tiến, khoa học, phù hợp với điều kiện đất đai, mặt nước, khí hậu, kỹ thuật của huyện Yên Mô nói riêng và các huyện trong tỉnh Ninh Bình nói chung.
Nuôi cá trên ao nổi đã khẳng định được nhiều ưu thế như dễ dàng điều tiết nguồn nước, quản lý được dịch bệnh, quan trọng hơn là không phá vỡ kết cấu hạ tầng, thuận lợi khi chuyển đổi sang hình thức sản xuất khác, cá sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất, hiệu quả cao, góp phần đưa thủy sản địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Về mặt hiệu quả kinh tế, khi chuyển sang thâm canh thủy sản bằng ao nổi sẽ cho sản lượng thu hoạch bình quân là 28 tấn cá/ha, giá trị thu hoạch đạt 1.200 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được sau khi đã trừ chi phí đạt 300 triệu đồng/ha, cao hơn so với cấy lúa 2 vụ hoặc sản xuất lúa-cá từ 5-10 lần.
Hộ có diện tích chuyển đổi, làm ao nổi lớn nhất là gia đình ông Vũ Văn Thiện ở xã Yên Thành đã nhận chuyển nhượng 15 ha đất ruộng trũng của 128 hộ dân thuộc xã Yên Mạc không có nhu cầu sản xuất ở khu vực Đồng Tân để làm ao nổi thâm canh thủy sản.
Ông Thiện bắt đầu sản xuất từ năm 2019, sau 6 tháng nuôi đã cho thu hoạch với năng suất đạt 26 tấn cá/ha, giá trị thu hoạch đạt 1.196 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí đạt 260 triệu đồng/ha.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình, trong thời gian tới huyện Yên Mô chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi ruộng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang xây dựng ao nổi để nuôi thâm canh thủy sản.
Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân. Đồng thời hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch nuôi trồng thủy sản đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với nhu cầu thị trường và không phá vỡ quy hoạch.
Bài, ảnh: Giáng Hương