Dưới cái nắng, nóng oi bức của mùa hè, không khí sản xuất vụ mùa trên những cánh đồng của huyện Yên Mô đã bắt đầu nhộn nhịp. Tại cánh đồng thuộc xóm Quán, xã Yên Phong, chị Nguyễn Thị Hoa đang làm đất để gieo thẳng cho biết: Gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu ruộng, chủ yếu là cấy các giống lúa chất lượng cao. Năm nay bà con nông dân nơi đây rất phấn khởi vì phương thức sản xuất đã có nhiều thay đổi. Từ khâu làm đất cho đến thu hoạch đều được cơ giới hóa, máy móc đã thay thế sức lao động của người nông dân. Còn gieo cấy truyền thống thay bằng gieo thẳng vừa nhanh, vừa giảm rất nhiều công lao động. Với hơn 1 mẫu ruộng, gia đình tôi phấn đấu gieo nhanh gọn trong 3 ngày cơ bản xong.
Ông Trần Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết: Vụ mùa năm 2017, xã Yên Phong phấn đấu gieo cấy 497 ha lúa, trong đó 493 ha gieo thẳng và 60% diện tích cấy bằng giống lúa chất lượng cao LT2, Bắc thơm số 7... Để cấy nhanh, gọn hết diện tích theo kế hoạch và đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất, xã Yên Phong đã chỉ đạo các HTX chuẩn bị đầy đủ giống lúa, phân bón và các vật tư khác cung ứng kịp thời cho bà con nông dân.
Đồng thời tiến hành kiểm tra, củng cố hệ thống kênh tưới, kênh tiêu, tổ chức khơi thông dòng chảy, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhân dân sản xuất và tiêu úng kịp thời nếu mưa lớn gây ngập lụt. Làm tốt công tác làm đất, giữ nước, đôn đốc bà con nông dân gieo cấy đúng lịch thời vụ.
Đến nay, các HTX đã làm đất đạt trên 60% diện tích, bà con nông dân gieo thẳng được 213 ha và phấn đấu gieo cấy hết diện tích trước ngày 5/7.
Vụ mùa năm 2017, huyện Yên Mô tiếp tục tập trung làm tốt công tác chuyển đổi, bố trí lại sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong đó trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, đưa các cây trồng có năng suất, chất lượng phù hợp với từng địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại, mở rộng diện tích lúa gieo thẳng ở những vùng chủ động tưới tiêu.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả ở ven khu dân cư sang trồng cây ăn quả, rau màu và mở rộng diện tích lúa - cá, áp dụng thâm canh tăng năng suất trên các diện tích đã chuyển đổi.
Đồng thời mở rộng diện tích trà lúa mùa sớm để tránh thiệt hại do mưa úng, sâu bệnh hại cuối vụ, đồng thời giải phóng đất, chủ động gieo trồng các cây trồng vụ đông ưa ấm có hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, toàn huyện phấn đấu gieo trồng trên 6.700 ha lúa, trong đó: 40% diện tích là trà mùa sớm; lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại chiếm trên 66,5%; diện tích lúa gieo thẳng đạt trên 58% tổng diện tích.
Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ đầu vụ huyện Yên Mô đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung đôn đốc bà con chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất như: giống, phân bón, máy làm đất, phương tiện....
Đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo kỹ thuật. Huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể cử cán bộ xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc đơn vị phụ trách thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, nhất là công tác mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp và diện tích lúa gieo vãi để giảm chi phí, công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và chỉ đạo các đơn vị xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 5/7/2016 của UBND huyện về tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Phối hợp chặt chẽ với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, UBND các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền tập huấn, dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại lúa và các cây màu.
Xây dựng các mô hình trình diễn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cấy lúa kém hiệu quả, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kỹ thuật thâm canh lúa chất lượng cao và kỹ thuật gieo vãi lúa.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong việc kinh doanh vật tư nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân.
Riêng các HTX nông nghiệp chủ động tổ chức thực hiện tốt các dịch vụ từ khâu làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp đầy đủ về số lượng, chất lượng, đảm bảo giá cả hợp lý phục vụ kịp thời sản xuất. Xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, thực hiện tốt công tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Thu hoạch lúa đông xuân xong đến đâu tiến hành cày bừa ngay đến đó.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể về thời gian thu hoạch lúa đông xuân của địa phương để bố trí lịch thời vụ cho phù hợp. Giống có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn gieo đầu lịch, giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày gieo cuối lịch, để khi trỗ các giống lúa trỗ cùng một thời điểm để hạn chế sâu bệnh và thuận lợi cho công tác thu hoạch. Chủ động gieo thêm 10% mạ để dự phòng mưa úng và dự phòng giống lúa ngắn ngày cho 20% diện tích gieo cấy.
Đến nay, toàn huyện đã làm đất lần 1 được trên 6.000 ha, làm đất được cấy trên 1.500 ha, gieo trên 3.000 ha mạ, đã cấy trên 200 ha lúa, gieo thẳng được 350 ha. Huyện Yên Mô phấn đấu gieo cấy xong toàn bộ diện tích lúa trước ngày 15/7 và chuyển trọng tâm sang chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Hồng Giang