Yên Phong là một trong những địa phương có nhiều lợi thế và đi đầu trong sản xuất cây vụ đông hàng hóa của huyện Yên Mô. Phần lớn diện tích cây đông của xã là cây ưa ấm có ký kết liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Ông Phạm Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết: Trước đợt mưa lớn kéo dài, nhân dân Yên Phong đã gieo trồng được 105,9 ha, trong đó cây ngô ngọt có liên kết bao tiêu sản phẩm là 68 ha, do mưa quá lớn đã làm 75,5 ha cây trồng vụ đông của xã bị thiệt hại, chủ yếu là ngô ngọt, bí xanh, dưa chuột và rau màu.
Ngay sau khi nước rút, xã đã tiến hành kiểm tra, rà soát và chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với HTX nông nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân dặm tỉa những diện tích có khả năng phục hồi và tiến hành trồng mới các cây còn thời vụ.
Đến nay toàn xã gieo trồng được 94,5 ha cây đông các loại. Hiện thời vụ trồng các cây đông ưa ấm đã hết, cây đông ưa lạnh có giá trị kinh tế cao như khoai tây cũng gần hết và giá giống khá cao.
Chính vì vậy xã đề nghị huyện, tỉnh có chính sách hỗ trợ nhân dân kịp thời về vấn đề giá giống và tiêu thụ sản phẩm cuối vụ để nhân dân yên tâm mở rộng phát triển sản xuất cây đông.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Mô, ngay sau khi kết thúc mưa bão, bên cạnh việc khắc phục hậu quả, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp tập trung quyết liệt cho sản xuất vụ đông, có chính sách hỗ trợ các cây trồng mới và các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Riêng các HTX nông nghiệp chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây và các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cả hợp lý để phục vụ sản xuất.
Huyện cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT kết hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất từ khâu bảo quản giống, làm đất, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến cuối vụ thu hoạch.
Đối với các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện được phân công phụ trách xã, thị trấn, huyện yêu cầu nắm chắc chủ trương, chính sách hỗ trợ thiệt hại và kỹ thuật sản xuất, tăng cường đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ gieo trồng khoai tây, rau các loại đảm bảo thời vụ và kế hoạch.
Tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia sản xuất vụ đông, phấn đấu mỗi đoàn thể của huyện, của xã xây dựng 1 mô hình trồng khoai tây, rau các loại gọn vùng tập trung có quy mô từ 1 ha trở lên.
Với sự chỉ đạo, đôn đốc, tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã tích cực, chủ động chăm sóc cho diện tích cây đông có khả năng hồi phục bằng nhiều biện pháp kỹ thuật đã được ngành nông nghiệp hướng dẫn và khuyến cáo.
Đến nay diện tích ngô ngọt trà sớm đang trỗ cờ, phun râu và ra bắp non, ngô đại trà đang ra từ 5-6 lá, diện tích lạc trà sớm đang giai đoạn đâm tia hình thành củ, bí xanh đang giai đoạn ra hoa và hình thành quả.
Cùng với việc chăm sóc cây đông có khả năng phục hồi, nhân dân Yên Mô tích cực trồng mới, mở rộng diện tích những cây trồng còn thời vụ như khoai tây và rau các loại.
Toàn huyện đã gieo trồng được trên 1.000 ha (đạt 59,5% kế hoạch) bao gồm: gần 395 ha ngô các loại, trên 4 ha đậu tương rau, 13 ha đậu tương, hơn 5 ha đậu xanh, trên 142 ha lạc, gần 11 ha cà chua, trên 19 ha bí xanh, trên 16 ha dưa chuột, 27 ha ớt, 128 ha khoai lang, gần 5 ha khoai tây, 304 ha rau các loại và cây trồng khác.
Theo ông Lê Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô: Năm nay sản xuất vụ đông gặp khó khăn ngay từ đầu vụ. Mưa lớn làm thiệt hại gần hết diện tích các cây trồng ưa ấm, chủ yếu là cây hàng hóa có ký liên kết và bao tiêu sản phẩm như ngô ngọt, lạc, đậu xanh....
Trong khi đó thời vụ cây ưa ấm không còn, cây ưa lạnh chủ yếu chỉ còn khoai tây và rau các loại, do vậy rất khó khăn cho việc mở rộng diện tích vụ đông theo đúng kế hoạch.
Từ bài học kinh nghiệm rút ra từ những đơn vị phát triển sản xuất tràn lan, không tính đến khâu tiêu thụ, dẫn đến thất bại, huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát, tính toán hợp lý, chú ý tìm đầu ra cho sản phẩm, ưu tiên và khuyến khích trồng các cây có liên kết bao tiêu sản phẩm hoặc có thị trường tiêu thụ ổn định.
Để hỗ trợ kịp thời, giải quyết khó khăn về vấn đề tiêu thụ sản phẩm cuối vụ, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị mời doanh nghiệp về liên kết sản xuất cho bà con, trong đó chủ yếu là liên kết sản xuất cây khoai tây.
Hiện nay đã có một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt, Công ty TNHH phát triển công nghệ và vật tư nông nghiệp Hương Quê tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng khoai tây với các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên khoai tây là cây ưa ít nước và trồng trên đất cát, đất pha cát, giá giống lại cao nên huyện cũng khuyến cáo các địa phương rà soát và tính toán diện tích đất nào phù hợp thì trồng, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, thời vụ cây khoai tây cũng không còn nhiều, bà con nên huy động nhân lực, phấn đấu trồng xong trước ngày 15 tháng 11 tới. Đối với cây rau các loại bà con nông dân nên bố trí gieo trồng đa dạng về chủng loại, rải vụ, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Về lâu dài, để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kể cả trong sản xuất vụ đông, huyện có định hướng là tập trung tích tụ ruộng đất, chủ động đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm.
Hồng Giang