Yên Mô có hệ thống ao nuôi khá dày, diện tích vùng trũng khá lớn trước đây chủ yếu cấy lúa kém hiệu quả, là điều kiện tốt để phát triển thủy sản. Nhằm biến khó khăn thành thuận lợi, Yên Mô đã có chủ trương chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Năm 2013, UBND huyện xây dựng Đề án 06/ĐA-UBND về chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp cấy lúa giai đoạn 2016-2020. Trong quá trình thực hiện, địa phương đã kịp thời điều chỉnh, sửa đổi các nội dung Đề án cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất ở cơ sở. Như vậy, để khuyến khích nhân dân chuyển đổi, Đề án của huyện Yên Mô nâng mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng chung vùng chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa-cá từ 2 triệu đồng/ha lên 10 triệu đồng/ha.
Thực hiện chủ trương của huyện, nhân dân các xã, thị trấn, nhất là các xã vùng chiêm trũng đã dồn đổi ruộng đất, chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang canh tác lúa - cá, kết hợp chăn nuôi. Đến năm 2017, toàn huyện đã có trên 1.000 hộ chuyển đổi được 546 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá, bình quân mỗi hộ canh tác trên 4 nghìn m2. Một số xã đã hình thành các vùng chuyên canh mô hình lúa - cá tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như các xã Yên Thái, Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Hòa... Giá trị thu hoạch trung bình đạt trên 270 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình đạt 117 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa. Ngoài các đối tượng nuôi truyền thống, các hộ đã mạnh dạn nuôi thâm canh cá trắm đen, ốc hột, cá quả, chạch sụn... với quy mô 46 ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi cá truyền thống từ 3-4 lần.
Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp cấy lúa, năm 2017, Yên Mô triển khai xây dựng mô hình "ao nổi" tại các xã Yên Thắng, Yên Thái, Yên Đồng, Yên Hòa… với quy mô trên 5 ha để thâm canh thủy sản. Nhằm khuyến khích nhân dân tham gia xây dựng mô hình, huyện đã hỗ trợ kỹ thuật và mỗi ha ao nổi 10 triệu đồng để cải tạo ao nuôi. Có thể khẳng định đây là mô hình có nhiều ưu điểm, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chủ trương của huyện được nhân dân đồng tình ủng hộ và nhanh chóng nhân rộng. Đến nay toàn huyện đã có 25 ha ao nổi, nhiều địa phương xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, giá trị thu hoạch đạt khoảng 500 - 600 triệu đồng/ha, thu lãi từ 250-300 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như hộ ông Phạm Như Bồn, xã Yên Đồng có tổng diện tích nuôi thủy sản hơn 2 ha, trong đó diện tích nuôi ao nổi hơn 1 mẫu. Ông Bồn cho biết: Mô hình nuôi thủy sản trên ao nổi không quá phức tạp, chỉ cần người dân nắm vững và tuân thủ kỹ thuật sẽ thành công và hiệu quả kinh tế khá cao. Trên diện tích 1 mẫu ruộng, gia đình ông chủ yếu thả cá trắm ốc và cá chép. Thời gian từ khi nuôi đến khi thu hoạch tầm 9 tháng thu 1 lần, cá đạt kích thước và trọng lượng như yêu cầu. Toàn bộ thành phẩm được thương lái về tận nơi mua, tức là không lo về thị trường tiêu thụ. Doanh thu từ mô hình ao nổi đạt trên 100 triệu đồng/mẫu.
Nhận thấy lợi thế của mô hình nuôi cá trên ao nổi, anh Phạm Văn Giáp, xã Yên Thái đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng khu nuôi cá trên diện tích 2,5 mẫu. Theo anh Giáp, với mô hình này người dân chỉ cần đào sâu từ 30-50cm, sau đó lấy lớp đất màu đắp thành bờ cao từ 1,5-2m và đảm bảo có hệ thống cung cấp nước, cống cấp thoát nước, quạt ôxy giúp cá phát triển. Sau 1 năm xây dựng mô hình nuôi cá trên ao nổi cho thấy đây là mô hình phù hợp trên đồng đất, khí hậu của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao. Ước tính năm 2017, gia đình anh Giáp cung cấp ra thị trường gần 20 tấn cá, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Yên Mô, hiện nay toàn huyện có hơn 1.100 ha nuôi thủy sản, tăng trên 336 ha so với năm 2008. Năm 2017, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 4.458 tấn, giá trị sản xuất đạt gần 132 tỷ đồng, tăng hơn 37 tỷ đồng so với năm 2013. Như vậy, nhờ có những chủ trương đúng và có cơ chế, chính sách hợp lý đã thúc đẩy thủy sản của Yên Mô phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Trong thời gian tới, để nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, Yên Mô tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó tích cực chuyển đổi những diện tích sâu trũng sang nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch; đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng trang trại, gia trại, đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng. Chú trọng phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao nuôi; quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thông qua các dự án đã và đang triển khai. Tăng cường công tác chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng và có khả năng nhân rộng cao...
Bài, ảnh: Giáng Hương