Theo báo cáo của huyện Yên Mô, từ năm 2015 đến nay cơ cấu sản xuất nông nghiệp có sự chuyển đổi hợp lý từ chiều rộng sang chiều sâu với nhiều hình thức sản xuất tiên tiến ở tất cả các lĩnh vực. Trong lĩnh vực trồng trọt, việc tăng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại, diện tích canh tác 4 vụ/năm, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo quy trình Viet Gap, hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được các địa phương tích cực thực hiện.
Diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại đạt 68,8% diện tích, tăng 7,8% so với năm 2015. Các xã Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Phong đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tổ chức canh tác luân canh 4 vụ/năm các cây màu có giá trị kinh tế cao với quy mô 80 ha cho giá trị thu hoạch từ 300-350 triệu đồng/ha. Trên địa bàn huyện có 38 ha sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGap, ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, tưới nước tiết kiệm cho giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha.
Địa phương cũng tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mở rộng các vùng sản xuất rau quả hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm với quy mô 145 ha ở các xã Yên Hòa, Yên Từ, Khánh Dương, Mai Sơn. Sản xuất vụ đông tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng đảm bảo ăn chắc, hiệu quả. Hàng năm huyện có từ 400-500 ha khoai tây, ngô ngọt, ớt, đậu tương rau, hành, hẹ, ngải cứu... được doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đảm bảo giá cả ổn định.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi, đến nay 100% diện tích đất làm bằng máy, các trang trại, gia trại trang bị các máy chuyên dụng, trên 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bình quân giá trị sản xuất 1 ha canh tác năm 2019 ước đạt 127,5 triệu đồng (tăng 18,9 triệu đồng/ha so với năm 2015), dự kiến đến năm 2020 ước đạt 135 triệu đồng/ha (tăng 26,4 triệu đồng/ha so với năm 2015), đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Sản xuất chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, an toàn sinh học, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư giảm trên 50% so với năm 2015. Đến nay toàn huyện có 45 trang trại có doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng (tăng 5 trang trại) và có 301 gia trại có doanh thu trên 500 triệu đồng (tăng 41 gia trại) so với năm 2015.
Bên cạnh chăn nuôi các đối tượng truyền thống, các hộ đã mạnh dạn đưa các con nuôi mới có giá trị kinh tế cao như vịt trời, lợn rừng, lợn rừng lai, thỏ NewZealand.... Đến nay trên địa bàn huyện đã có 16 hộ chăn nuôi vịt trời với quy mô trên 20 nghìn con, có 11 hộ nuôi lợn rừng và lợn rừng lai, 3 hộ nuôi thỏ NewZealand với quy mô 7.000 con/lứa. Các đối tượng nuôi mới sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện ở địa phương.
Sản xuất thủy sản phát triển mạnh, nhất là ở các xã vùng chiêm trũng, chuyển từ sản xuất tận dụng sang thâm canh, ứng dụng công nghệ cao nên năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất thủy sản tăng cao. Đến hết năm 2019 dự kiến toàn huyện sẽ chuyển đổi được 780 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa-cá, trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi thủy sản và ao nổi (tăng 280 ha so với năm 2015).
Bình quân giá trị sản xuất 1 ha canh tác các mô hình canh tác mới ước đạt từ 250-500 triệu đồng/ha, cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Hình thức nuôi thâm canh cá trắm đen, cá quả, chạch sụn... trên ao nổi với quy mô 46 ha cho giá trị thu hoạch trên 1 tỷ đồng/ha đã phát triển ở nhiều xã.
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng nuôi thủy sản thâm canh quy mô tập trung cho hiệu quả kinh tế cao ở các xã Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Thành, Yên Mạc…góp phần quan trọng nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Công tác tập trung ruộng đất trong thời gian đạt được kết quả tích cực. Đến nay toàn huyện đã có 738 hộ tích tụ được gần 1.000 ha đất nông nghiệp để sản xuất hàng hóa.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Đề án về phát triển nông nghiệp từ tỉnh đến huyện, trong thời gian tới UBND huyện Yên Mô chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Trong đó, các xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác mới cho hiệu quả kinh tế cao.
Chủ động bố trí một phần kinh phí từ nguồn xây dựng nông thôn mới hàng năm để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao để khuyến khích nhân dân mở rộng sản xuất. Các HTX nông nghiệp tích cực mở rộng các loại hình dịch vụ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động như dịch vụ máy gặt, dịch vụ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định, nhân dân yên tâm sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Giáng Hương