Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Đàm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Do thời vụ gieo cấy rất khẩn trương, thu hoạch xong lúa đông xuân là bắt tay ngay vào khâu gieo cấy lúa mùa nên việc đầu tư phân bón lót cho lúa mùa của các hộ nông dân nhìn chung chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật, còn một bộ phận nông dân chạy đua tiến độ cấy, chờ sau cấy xong mới quay lại bón phân. Điều tra ở các HTX Nông nghiệp cho thấy, lượng phân bón đầu tư cho một sào lúa cấy mới đạt 40-45%, trong khi theo hướng dẫn quy trình kỹ thuật là 50%. Do đó ngày 10/7, UBND huyện đã có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn sau khi hoàn thành gieo cấy lúa mùa chủ động sơ kết gieo cấy và chuyển trọng tâm ngay sang công tác chăm bón. Các HTX nông nghiệp đã tập trung hướng dẫn nông dân bón thúc đợt 1 sớm, bón đủ lượng, bón cân đối NPK theo quy trình hướng dẫn, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại.
Đến nay, toàn huyện đã cơ bản chăm sóc xong đợt 1, và đang chuẩn bị chăm sóc đợt 2. Nhìn chung lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt, trà lúa cấy sớm đang ở giai đoạn đứng cái phân hóa đòng, diện tích lúa đại trà đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Trạm bảo vệ thực vật và Phòng nông nghiệp &PTNT huyện cũng cho biết: hiện nay có một số đối tượng dịch hại đang phát sinh và có khả năng gây hại cục bộ trên trà lúa mùa cấy sớm. Trong đó, bớm sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang ra rộ, sâu non tuổi 1 đã bắt đầu xuất hiện với mật độ trung bình 3,5 con/m2 nơi cao 5-10 con/m2. Trong thời gian tới sâu non sẽ tiếp tục nở, mật độ sâu tiếp tục tăng, gây hại cục bộ trên các trà lúa, đặc biệt là trên trà lúa mùa sớm diện tích xanh tốt. Sâu gây hại làm sơ trắng lá ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cấy lúa, xuất hiện nhiều ở các xã Yên lâm, Yên Mạc, Yên Thái,...
Bướm sâu đục thân 2 chấm lứa 4 đang ra rộ, trứng xuất hiện rải rác, trong thời gian tới bướm sâu đục thân 2 chấm tiếp tục ra rộ đến ngày 5/8, sâu non nở rộ từ 5-12/8 gây hại dảnh héo chủ yếu diện tích lúa ven núi, ven đê ở các xã Yên Thái, Yên Đồng, Yên Thắng,...Tỷ lệ hại trung bình 0,5% số dảnh, nơi cao 3-5% số dảnh, cá biệt trên 10% dảnh héo. Ngoài ra bệnh khô vằn đang phát sinh và có xu hướng gây hại tăng nhanh trên diện tích lúa mùa cấy sớm ở các xã Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Từ,....
Trước tình hình sâu bệnh có khả năng gây hại cục bộ một số diện tích lúa cấy sớm, huyện Yên Mô đã yêu cầu các xã, thị trấn, HTXNN tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ: điều tiết nước hợp lý, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật tạo điều kiện cho cây khỏe tăng cường khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng, không phun trừ tràn lan gây ảnh hưởng đến môi trường, thiên địch có ích và kinh tế của nhân dân. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, phun trừ trên những ruộng lúa cấy sớm, xanh tốt trỗ trước ngày 30/8 và có mật độ từ 20 con/m2 trở lên khi sâu non rộ tuổi 2; thời gian phun từ 5-8/8 bằng các loại thuốc đặc hiệu. Sâu đục thân 2 chấm phun trừ trên những ruộng có mật độ trứng trên 0,3 ổ/m2 khi sâu non tuổi 1 nở rộ, thời gian phun từ 8-10/8 bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn.
Trong đợt này, diện tích phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 và sâu đục thân 2 chấm lứa 4 trên địa bàn toàn huyện ước khoảng 600 ha. Diện tích còn lại sẽ triển khai phun trừ trọng tâm các đối tượng là sâu cuốn lá lứa 6, rầy các loại lứa 6 và sâu đục thân lứa 5 ở thời điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9.
Hồng Giang