Về cơ cấu giống năm nay, lúa lai 2.358 ha chiếm 35,5% diện tích giảm 1,9% so với vụ mùa 2007, lúa thuần 2.628 ha chiếm 39,6% diện tích, lúa chất lượng cao và lúa nếp đạt 1.650 ha.
Đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết, xác định chăm sóc, bảo vệ, hạn chế ảnh hưởng của các điều kiện khách quan như: sâu bệnh, thời tiết… là yếu tố quyết định để vụ sản xuất mùa năm nay đạt kết quả cao, ngay sau khi cấy xong toàn bộ diện tích, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa mùa.
Phòng NN&PTNT huyện cùng với cán bộ các HTX bám sát đồng ruộng hướng dẫn bà con bón thúc lần 1 ngay sau khi cấy từ 5-7 ngày khi lúa đã bén rễ hồi xanh. Thực hiện, bón hết lượng phân đạm còn lại và 50% lượng phân kali theo đúng quy trình kỹ thuật của từng giống kết hợp với cắt cỏ đầu bờ, sục bùn để hòa tan phân và vùi sâu phân vào đất, kết hợp với phun thuốc trừ cỏ, dặm tỉa kịp thời các khóm lúa bị khuyết đảm bảo mật độ, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Để tạo điều kiện cho lúa có đủ điều kiện sinh trưởng và phát triển nhanh, Yên Mô đã chỉ đạo đội khai thác các công trình thủy lợi phối hợp với các HTX xây dựng kế hoạch sử dụng nước nhằm đảm bảo giữ mực nông nước từ 2 -3 cm giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung đạt số dảnh hữu hiệu/khóm cao nhất.
Đến nay, hầu hết diện tích lúa của Yên Mô đang phát triển tốt. Tuy nhiên để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, huyện đã chỉ đạo các xã, HTX nông nghiệp duy trì các tổ dự tính, dự báo sâu bệnh tại mỗi HTX, tăng cường công tác kiểm tra diễn biến tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng để có thể xử lý kịp thời nếu xuất hiện ở ngưỡng gây hại.
Ngay từ đầu vụ, phòng NN&PTNT, Trạm bảo vệ thực vật huyện đã tiến hành tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ các đội dự tính dự báo của các xã, thị trấn đồng thời cử cán bộ thường xuyên bám đồng ruộng cùng các HTX xử lý kịp thời diễn biến bất lợi có thể xảy ra. Bên cạnh đó, huyện tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh các xã, thị trấn giúp nông dân nhận biết sớm những dấu hiệu sâu bệnh, tổ chức tư vấn sử dụng thuốc trừ sâu, về các loại thuốc, cách sử dụng nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn và bảo vệ môi trường.
Chỉ đạo các HTX tổ chức dịch vụ cung ứng thuốc BVTV đúng chủng loại, chất lượng tốt cho xã viên phòng trừ có hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với những cơ sở cung ứng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Sau khi kiểm tra đồng ruộng, phát hiện hơn 100 ha lúa có hiện tượng phát triển chậm, chưa đẻ nhánh, có hiện tượng phân hóa đòng và một số diện tích bị nghẹt rễ do ngộ độc phân giải chất hữu cơ, phòng NN&PTNT đã chỉ đạo các HTX hướng dẫn bà con nông dân nhanh chóng tiến hành khắc phục. Đối với diện tích bị phân hóa đòng, bón thúc thêm phân đạm với lượng 2,5-3 kg đạm/sào, 10 kg super lân kết hợp với cào cỏ, sục bùn và phun các loại phân qua lá như Atonik, KH… từ 2-3 lần, lần sau cách lần trước từ 5-7 ngày.
Đối với diện tích bị nghẹt dễ, tiến hành bón thêm từ 10-15 kg super lân/sào kết hợp với phun phân qua lá, bón thêm phân chuồng và cào cỏ sục bùn, sau khi lúa bén rễ hồi xanh mới sử dụng phân đạm để bón thúc.
Đến thời điểm này, ở Yên Mô sâu bệnh hại lúa chưa xuất hiện nhiều nhưng chuột và ốc bươu vàng cắn lúa còn diễn biến khá phức tạp đặc biệt là ốc bươu vàng. UBND huyện đã chỉ đạo phòng NN&PTNN, Trạm bảo vệ thực vật hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp đánh bắt, phát động nhân dân tham gia chiến dịch diệt chuột, diệt ốc bưu vàng trong toàn huyện.
Đồng thời, các HTX trích quỹ thu gom và xử lý tập trung để tránh làm ô nhiễm môi trường. Nhờ làm tốt công tác vận động, huy động các tổ chức đoàn thể và người dân tham gia chiến dịch diệt chuột, bắt ốc bưu vàng bằng nhiều biện pháp tổng hợp, đến nay, toàn huyện đã diệt được trên 90 nghìn con chuột, thu gom được hàng chục tấn ốc và trứng ốc bươu vàng.
Hiện Yên Mô tiếp tục chỉ đạo bà con nông dân tập trung chăm sóc, theo dõi phát hiện, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho lúa, quyết tâm giành vụ mùa thắng lợi đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Bài, ảnh: Quốc Khang