Có mặt tại cánh đồng lúa của HTX Bình Hải, xã Yên Nhân, chúng tôi cảm nhận được không khí tấp nập, khẩn trương chăm sóc lúa vụ đông xuân của bà con nông dân. Bên thửa ruộng ven đường, chị Hoàng Thị Na vừa bón phân cho lúa, vừa cho chúng tôi biết: Vụ xuân này, gia đình tôi cấy 5 sào lúa thơm, do rét đậm kéo dài nên lúa sinh trưởng và phát triển chậm hơn năm trước. Ngay khi thời tiết nắng ấm trở lại, tôi tranh thủ ra đồng tỉa dặm lại những diện tích bị khuyết cây, bón thúc phân cho lúa phát triển kịp thời, đẻ nhánh tập trung. Bà Đỗ Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết: Trước nguy cơ lúa bị chết do rét đậm, rét hại kéo dài, xã đã chỉ đạo các HTX tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ diện tích lúa. Những ruộng lúa có tỷ lệ chết thấp cần cấy dặm ngay để đảm bảo mật độ, đồng thời tích cực giữ nước, giữ ấm để lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Những diện tích lúa, mạ bị chết nhiều, không có khả năng phục hồi, khuyến cáo nông dân dùng các giống ngắn ngày để gieo bổ sung hoặc chuyển sang gieo vãi.
Được biết, vụ lúa đông xuân năm nay, huyện Yên Mô gieo cấy trên 6.500 ha lúa, trong đó diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại chiếm trên 55%. Do thời tiết đầu vụ xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của mạ, lúa mới cấy, gieo vãi và tiến độ sản xuất. Một số diện tích lúa gieo cấy bằng các giống chất lượng cao, chịu rét kém như: Bắc thơm số 7, LT2… bị thiệt hại phải gieo cấy lại và tỉa dặm bổ sung. Cụ thể, tổng diện lúa gieo cấy bị thiệt hại là 1.831 ha. Trong đó diện tích bị thiệt hại 30-70% diện tích là 726 ha, thiệt hại trên 70% diện tích là 1.105 ha. Riêng diện tích lạc xuân, toàn huyện cơ bản trồng xong trước ngày 10-2. Tuy nhiên, một số diện tích lạc trồng từ ngày 6 đến 9-2, lạc mọc chậm, nhiều diện tích bị khuyết cây, một số bị bệnh lở cổ rễ, héo xanh; tổng diện tích bị thiệt hại là 228 ha. Trước tình hình trên, UBND huyện Yên Mô đã kịp thời ra 4 văn bản về việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2014. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, Ban quản lý các HTX nông nghiệp tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê toàn bộ diện tích lúa, cây màu vụ đông xuân 2014 bị thiệt hại, hướng dẫn các hộ chuẩn bị giống, mạ dự phòng để dặm bổ sung, gieo vãi lại. Yêu cầu Phòng Nông nghiệp, Trạm BVTV, Trạm khuyến nông phân công cán bộ xuống cơ sở đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị khẩn trương khắc phục ngay những diện tích lúa, cây màu bị thiệt hại. Đến ngày 5-3, những diện tích lúa đã cấy và gieo vãi bị thiệt hại đã cơ bản khắc phục xong; lúa lai, lúa nếp các loại đang vào giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ; lúa thuần, lúa chất lượng cao đang vào giai đoạn bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh; những diện tích lúa gieo vãi đã hồi phục, sinh trưởng, phát triển khá.
Thời gian tới, thời tiết sẽ ấm dần lên, thuận lợi cho lúa sinh trưởng, song cũng kéo theo nguy cơ các loại sâu, bệnh trên lúa phát triển. Do vậy, Yên Mô chủ trương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng, theo dõi sát sự sinh trưởng, phát triển của lúa và các đối tượng dịch hại để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, nhất là các đối tượng hại nguy hiểm như bệnh đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu... Phát động nhân dân tích cực diệt chuột đợt 2 từ ngày 5 đến 25-3 sau khi cấy xong, lúc này trên đồng ruộng cây trồng chưa tốt, chuột ít có nơi trú ngụ, nguồn thức ăn chưa hấp dẫn nên hiệu quả diệt trừ sẽ cao. Bên cạnh đó, thực hiện quản lý chặt các nguồn nước, chú ý giữ nước, tiết kiệm nước, đảm bảo cung cấp đủ nước và kịp thời cho lúa sinh trưởng, phát triển trong cả vụ. Huyện cũng hướng dẫn nông dân tiếp tục theo dõi đồng ruộng, ngay khi thời tiết nắng ấm tiến hành chăm bón đợt 1, chậm nhất xong trước ngày 30-3.
Bài, ảnh: Hà Phương