Vụ đông năm 2016, Yên Mô có 6 doanh nghiệp, đơn vị tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, tăng 2 doanh nghiệp so với năm 2015, bao gồm: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Thanh An, Công ty cổ phần Thực phẩm á Châu, Công ty TNHH ớt Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu, đỗ, Công ty cổ phần quốc tế An Việt. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia liên kết đều hỗ trợ bà con nông dân về mặt kỹ thuật, cho tạm ứng giống để sản xuất và đối chiếu, khấu trừ khi thanh toán ở cuối vụ. Đối với mỗi loại sản phẩm bao tiêu, doanh nghiệp đều có yêu cầu khác nhau về chất lượng và giá thành.
Thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện Yên Mô đã có một số mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm có hiệu quả cao ở vụ đông. Điển hình như mô hình liên kết và bao tiêu ngô ngọt xuất khẩu ngày càng được mở rộng ở các địa phương: Yên Phong, Yên Lâm, Khánh Thượng, thị trấn Yên Thịnh... ở vụ đông năm 2016, toàn huyện gieo trồng trên 153 ha ngô ngọt, tăng hơn 54 ha, năng suất đạt hơn 99 tạ/ha, tăng 8,2 tạ/ha so với vụ đông năm 2015. Cây ngô ngọt phát triển tốt, được mùa cộng với giá cả ổn định nên giá trị sản xuất cao đạt 38 triệu đồng/ha, cao hơn 13,8 triệu đồng/ha so với ngô thương phẩm.
Đây là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, giá trị khá cao, phù hợp với đất đai, kỹ thuật ở địa phương và phù hợp nhu cầu nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp nên có khả năng nhân rộng hơn nữa trong những vụ tiếp theo trên đồng đất Yên Mô.
Hay đối với cây lạc đã hình thành mối liên kết sản xuất tại một số HTX nông nghiệp như: Đông Thôn, Quang Trung, Quảng Công thuộc xã Yên Thái. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu, đỗ đã liên kết sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm 46 ha lạc đã ký kết với các đơn vị trên, đưa cây lạc trở thành cây hàng hóa có giá trị cao, tạo thu nhập ổn định cho nông dân trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo của huyện Yên Mô, năm 2016, toàn huyện gieo trồng trên 1.800 ha cây vụ đông, đạt 101,8% so với kế hoạch, trong đó trên 216 ha được các doanh nghiệp thực hiện liên kết và bao tiêu sản phẩm. Nhờ liên sản kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, những người nông dân không còn lo tình trạng "được mùa mất giá", giá trị thu nhập trên những diện tích này cũng tăng, ước đạt 14,2 tỷ đồng, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất vụ đông năm 2016 của huyện Yên Mô ước đạt lên 132 tỷ đồng, bình quân giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 72,3 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng/ha so với vụ đông năm 2015.
Tuy hiệu quả khá rõ nét nhưng hiện số lượng HTX nông nghiệp tham gia liên kết và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân còn ít. Lượng nông sản bà con nông dân làm ra được bao tiêu chiếm tỷ lệ thấp so với tổng sản lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa hiện nay.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động liên kết còn khó khăn đó chính là ý thức của người nông dân trực tiếp tham gia sản xuất. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân chưa chặt chẽ, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau, do đó đã xảy ra tình trạng người nông dân phá vỡ hợp đồng khi đến vụ thu hoạch.
Như vậy, dù vùng nguyên liệu ổn định là yếu tố quan trọng quyết định hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông sản, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn e dè trong việc tham gia và mở rộng vùng liên kết.
Theo ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, thời gian tới, các HTX nông nghiệp cần tích cực, chủ động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp để mở rộng diện tích liên kết sản xuất và bao tiêu một số sản phẩm như: lạc, ngô ngọt, đậu tương rau xuất khẩu, ớt, khoai tây... đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Đối với các công ty, doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp và bà con nông dân về tập huấn kỹ thuật, ứng trước vật tư nông nghiệp và thực hiện thanh toán tiền theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Khi đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, các địa phương phải có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ vùng nguyên liệu, đảm bảo không thất thoát, cung ứng đủ sản lượng và chất lượng như đã ký kết. Tránh tình trạng tranh chấp vùng nguyên liệu sản xuất do người dân tự bán sản phẩm cho các doanh nghiệp khác hoặc bán ra ngoài thị trường.
Ngoài ra các địa phương tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về hiệu quả và trách nhiệm khi tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng cuối vụ sản xuất.
Hồng Giang