Trung tuần tháng 11, chúng tôi có dịp đi cùng cán bộ Trạm Thú y huyện Yên Mô tổ chức tiêm phòng bổ sung tại địa bàn xã Yên Mạc. Qua trò chuyện với hộ chăn nuôi và cán bộ thú y cơ sở, chúng tôi thấy rằng nhận thức về tầm quan trọng của công tác tiêm phòng của người dân dần được nâng lên, nhất là ở các trang trại, gia trại có quy mô lớn và vừa. Anh Hoàng Văn Điền, chủ trang trại chuyên chăn nuôi lợn siêu nạc và vịt trời cho biết: Nhiều lần thất bại do dịch bệnh gây ra, tôi đúc rút được kinh nghiệm "không có gì rẻ và an toàn bằng biện pháp tiêm phòng". Hiện nay trang trại của tôi có 40 con lợn nái, trên 300 lợn thịt và trên 3.000 vịt trời. Với số lượng con nuôi lớn, nếu có dịch bệnh xảy ra sẽ gây tổn thất rất nhiều cho mình. Chính vì vậy, tôi luôn coi tiêm phòng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và tổ chức tiêm tất cả các loại bệnh trong danh mục. Để đảm bảo có lượng vắcxin tốt, kịp thời, khi có kế hoạch nuôi đàn mới, tôi đều liên hệ với cán bộ thú y xã, huyện đăng ký trước lượng thuốc cần dùng. Theo ông Nguyễn Ngọc Thuyết, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Mô, hiện nay thời tiết đang chuyển sang mùa đông là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh. Huyện Yên Mô đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ thu đông năm 2015. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tiến hành rà soát, thống kê, nắm chắc số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; thành lập và kiện toàn các tổ tiêm phòng ở các xã, thị trấn. Đồng thời mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng, cách sử dụng, bảo quản vắc xin, trang bị bảo hộ cho cán bộ thú y cơ sở, người tham gia tiêm phòng. Do nhận thức của nhân dân về công tác tiêm phòng còn hạn chế nên Yên Mô đã đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng, kế hoạch tiêm phòng thông qua đài truyền thanh; lồng ghép với các chương trình hội, họp của huyện, của xã; lồng ghép với các hội nghị của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng cung ứng đầu vào cho nông nghiệp.
Nhìn chung, công tác tiêm phòng vụ thu đông được các xã, thị trấn tích cực triển khai, các hộ dân đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện để cán bộ thú y thực hiện nhiệm vụ. Kết quả tiêm phòng vụ thu đông đã đạt được mục tiêu đề ra, 100% các xã, thị trấn, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đều được tổ chức tiêm phòng. Tính đến hết tháng 10-2015, toàn huyện đã triển khai tiêm phòng được gần 14.000 liều vắcxin dịch tả lợn, gần 2.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, trên 3.700 liều vắc xin lở mồm, long móng và trên 250.000 lượt con gia cầm được tiêm vắcxin cúm gia cầm (đạt 117,2% so với kế hoạch). Yên Mô được đánh giá là một trong những đơn vị triển khai tốt nhất kế hoạch tiêm phòng trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều đơn vị đã triển khai tiêm phòng đạt tỷ lệ cao như xã Khánh Dương, Khánh Thịnh, Yên Nhân, Yên Mạc, Yên Từ. Hiện nay Yên Mô đang triển khai tiêm phòng bổ sung cho những đối tượng nuôi chưa được tiêm và những con nuôi mới nhập đàn.
Cùng với công tác tiêm phòng, Yên Mô cũng chú trọng triển khai công tác vệ sinh khử trùng, tiêu độc. Huyện đã xây dựng kế hoạch và phát động nhân dân triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh có trong môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn. Yên Mô đã chỉ đạo các đơn vị, xã, thị trấn tập trung tiếp nhận và phân bổ kịp thời hóa chất và triển khai hiệu quả Tháng khử trùng, tiêu độc trên địa bàn huyện. Các xã, thị trấn đã thành lập đội phun hóa chất khử trùng, tiêu độc cho nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ phát dịch cao; khu vực chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi gia đình; chợ buôn bán, tập kết, thu gom gia súc, gia cầm; cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm. Thời gian thực hiện tiêu độc, khử trùng từ ngày 10 đến 30-11 với tổng số hóa chất được tỉnh cấp là 700 lít. Ngoài hóa chất tỉnh cấp, các trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn bố trí thêm kinh phí mua hóa chất, vôi bột để thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc; tích cực vệ sinh chuồng trại, môi trường khu vực xung quanh, ngăn chặn dịch cúm gia cầm.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, công tác vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm ngày càng nhiều, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Do đó ngành thú Y huyện phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình chăn nuôi, tình hình dịch bệnh phát sinh để có biện pháp giải quyết sớm nhất. Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, xử lý tốt chất thải chăn nuôi. Đối với người chăn nuôi cần chú ý chọn lựa con giống có nguồn gốc rõ ràng, vật nuôi phải được thực hiện nuôi cách ly kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo quy định trước khi nhập đàn. Chuẩn bị đầy đủ thức ăn và chuồng trại kiên cố cho gia súc, gia cầm, nhất là trong những ngày giá rét. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe vật nuôi, nếu phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bị bệnh, bỏ ăn phải cách ly, chữa trị kịp thời và báo ngay cho thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp phù hợp nhằm tránh dịch bệnh lây ra diện rộng…
Bài, ảnh: Hồng Giang