Yên Đồng là xã có địa hình đồi núi và sông hồ đan xen rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi. Phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, những năm gần đây xã Yên Đồng đã tập trung chỉ đạo nhân dân chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành xã có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất huyện. Tuy nhiên, do các hộ dân tập trung chuyển hướng phát triển chăn nuôi lớn với mật độ nuôi cao, kết hợp các vụ nuôi nối tiếp nhau nên đã tạo thuận lợi để dịch bệnh lây lan và phát sinh rộng rãi. Trên địa bàn xã từ tháng 9 đến nay đã tái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, cứ một vài ngày, thậm chí 1-2 ngày lại có 1 hộ có lợn tiêu hủy. Để ngăn chặn dịch bệnh ngay sau khi có lợn mắc bệnh, thú y xã đã hướng dẫn các hộ đưa lợn đi tiêu hủy, khử khuẩn môi trường, không để mầm bệnh lây lan. Xã đã tiến hành cho tiêu hủy gần 20 tấn lợn. Đến nay về cơ bản dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn xã đã được kiểm soát.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Mô cho biết: Năm 2020, dịch tả lợn châu Phi diễn biến khá phức tạp. Từ ngày 13/1/2020 đến 22/3/2020, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 6 hộ trên địa bàn các xã: Mai Sơn, Yên Thành, Yên Đồng, đã phải tiêu hủy 7 con lợn với 1.557 kg. Đến hết ngày 6/12/2020, dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh và lây lan ra 15 xã, thị trấn, tại 93 thôn, xóm, tổ dân phố ở 251 hộ, đã tiêu hủy 1.067 con lợn với tổng trọng lượng là 92.610kg. Ước tính thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra trong năm 2020 trên địa bàn huyện khoảng trên 10 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 26/8/2020, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2866/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật của huyện gồm 14 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn của huyện tập trung triển khai các biện pháp bao vây ổ dịch. Tổ chức kiểm đếm, đánh giá thiệt hại và tiêu hủy lợn chết theo đúng quy định. Thống kê đàn lợn trên địa bàn xã, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, tuyên truyền người chăn nuôi dọn vệ sinh, phun hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại và khu vực chăn nuôi, đồng thời áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Không được tái đàn lợn khi chưa có sự đồng ý của UBND xã và cơ quan chuyên môn, khi tái đàn phải đăng ký, kê khai với UBND xã. Đối với các đơn vị chưa có lợn ốm chết thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh, của huyện về kỹ thuật chăn nuôi, bảo vệ đàn lợn.
Trong năm 2020, UBND huyện đã hỗ trợ 116 tấn vôi bột, tiếp nhận và phân bổ 2.918 lít hóa chất RTD-TC01 từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho các xã, thị trấn để tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng chống, khống chế không để bệnh dịch lây lan ra diện rộng.
Thời gian tới, huyện Yên Mô tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng, chống, khống chế bệnh, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền cơ sở trong tình hình hiện nay. Tăng cường hoạt động của Tổ kiểm tra lưu động các xã, thị trấn đối với việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tổ chức tiêu hủy lợn kịp thời trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virút dịch tả lợn châu Phi hoặc cơ quan chuyên môn của huyện yêu cầu phải tiêu hủy bắt buộc. Xác lợn và các sản phẩm của lợn khi vận chuyển đi tiêu hủy phải bọc bạt, nilon, phun hóa chất, rắc vôi bột đảm bảo đúng kỹ thuật. Hố tiêu hủy phải đảm bảo kỹ thuật, xa khu dân cư, xa nguồn nước, có tính kết nối liên xã…
Tiến Đạt