Ông Nguyễn Văn Phấn, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Yên Mô cho biết: Qua kết quả kiểm tra của Trạm BVTV và Phòng Nông nghiệp & PTNT cho thấy, hiện nay trên đồng ruộng đang xuất hiện một số đối tượng sâu, bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu... đang phát sinh và có khả năng gây hại nặng, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ mùa, nếu không triển khai phun trừ kịp thời sâu sẽ gây hại, làm sơ trắng bộ lá đòng, ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ. Rầy nâu lứa 5 có mật độ trung bình 65 con/m2, trứng rầy lứa 6 đã bắt đầu xuất hiện, mật độ trứng trung bình 300 trứng/m2, tập trung ở vùng lúa màu của các xã Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Phong... Trong thời gian tới, rầy cám lứa 7 tiếp tục nở rộ từ 10 đến 18-10, diện tích nhiễm rầy ước khoảng 3.000 ha. Đặc biệt ở những diện tích giáp huyện Yên Mô, Yên Khánh, diện tích mùa trung, mùa muộn giáp mùa sớm, diện tích mùa muộn xen kẽ mùa sớm và mùa trung có mật độ rầy rất cao.
Thời tiết nắng nóng xen kẽ với mưa rào là điều kiện thuận lợi cho bệnh khô vằn phát sinh gây hại, đặc biệt trên những diện tích lúa xanh tốt, rậm rạp, chân đất vàm cao không giữ được nước.
Trước tình hình sâu bệnh hại lúa, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp tập trung thực hiện đảm bảo đủ nước tưới, bón hết lượng kali còn lại, tạo điều kiện cho cây cứng khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, khả năng chống đổ khi gặp gió bão. Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm BVTV, Trạm Khuyến nông huyện phân công cán bộ tăng cường cán bộ xuống cơ sở cùng tổ kỹ thuật HTX, cán bộ khuyến nông xã tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, phân trà, phân vùng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh để tuyên truyền hướng dẫn, đôn đốc các hộ nông dân có các biện pháp phun trừ kịp thời khi tới ngưỡng. Đối với sâu cuốn lá nhỏ thì phun trừ cho toàn bộ diện tích lúa có mật độ sâu trên 20 con/m2; đối với rầy nâu và rầy các loại phun trừ cho những diện tích lúa có mật độ rầy lớn hơn 2.000 con/m2; đối với bệnh khô vằn phun trừ cho những diện tích có 10% số dảnh bị bệnh trở lên. Các loại sâu bệnh phát sinh và gây hại tương đối trùng nhau, vì vậy có thể phun trừ kết hợp và tập trung phun trừ từ ngày 23 đến 27-8 bằng các loại thuốc đặc hiệu. Các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp và bà con nông dân cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá, bọ xít dài, châu chấu gây hại cục bộ diện tích lúa trỗ trước ngày 5-9 để xử lý kịp thời...
Bài, ảnh: Hương Giang