Hiệu quả nhìn từ xã điểm Yên Từ là một trong 3 xã của Yên Mô được chọn là xã điểm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về Yên Từ hôm nay chúng tôi được người dân kể về những mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao. Điển hình là mô hình thuê đất sản xuất cây ăn quả và dưa các loại của anh Ngô Thái Dương, thôn Quảng Từ.
Nhận thấy nhu cầu thị trường về rau quả sạch, an toàn rất lớn, anh Dương đã vận động các hộ dân có đất trồng lúa kém hiệu quả cho thuê dài hạn 2,5 ha đất để phát triển mô hình sản xuất dưa chuột, mướp đắng, dưa Kim hoàng hậu, mướp nhật, táo Mỹ.
Trong quá trình sản xuất, gia đình anh Dương sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ, phân vi sinh và bẫy sinh học nên các sản phẩm đảm bảo an toàn. Hầu hết các sản phẩm của gia đình anh Dương được thương lái đến tận nơi thu mua và không có tình trạng khó khăn khi tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế khá cao.
Anh Dương cho biết: Ước tính mỗi năm gia đình anh có thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng từ táo Mỹ, 100 triệu đồng từ cá và 400 triệu đồng từ trồng dưa các loại. Như vậy từ 2,5 ha đất thuê, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Dương thu lãi 500 đến 600 triệu đồng.
Để thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Yên Từ đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó tập trung hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Riêng năm 2017 Yên Từ đã dành 500 triệu đồng để hỗ trợ nhân dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.
Đến nay Yên Từ đã xây dựng một số mô hình kinh tế điển hình như: Mô hình trồng chuối Tây Thái Lan kết hợp nuôi cá trên diện tích hơn 3 ha của 13 hộ dân thuộc xóm Chùa, hiện nay chuối và cá đang phát triển tốt và đang được nhiều địa phương đến tham quan học tập; Mô hình trồng cây ăn quả như ổi, táo; mô hình trồng dưa an toàn...
Tại xã Yên Thái, kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thể hiện khá rõ nét với các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm: Liên kết với Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ đậu xanh giống mới trên diện tích 36 ha cho bà con nông dân.
Đây là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất trung bình đạt từ 70-80kg/sào và với giá 30 đến 35 nghìn đồng/kg, sẽ cho thu nhập từ 2,1 đến 2,8 triệu đồng/sào. Yên Thái cũng phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết sản xuất 4 vụ trong năm trên diện tích 3 ha với công thức luân canh: khoai tây đông xuân, ngô ngọt xuân hè, đậu xanh hè thu, lạc đông.
Những tháng đầu năm 2017, Yên Thái đã chỉ đạo, động viên nhân dân mở rộng thêm 10 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với cấy lúa, nâng tổng diện tích chuyển đổi lúa-cá của toàn xã là 62 ha, giá trị thu nhập cao hơn trồng lúa từ 3-4 lần.
Tiếp tục triển khai tốt giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp
Sau một năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các mặt. Trong đó nét nổi bật nhất là huyện đã thực hiện tốt công tác tích tụ, chuyển đổi ruộng đất và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao. Toàn huyện đã chuyển đổi trên 38 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và các mô hình canh tác mới tập trung và chuyển đổi thêm 98,9 ha sang mô hình sản xuất lúa-cá.
Đặc biệt năm 2017 Yên Mô đã thực hiện thành công mô hình "ao nổi" với quy mô 5 ha tại các xã Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Hòa để thâm canh thủy sản. Thực hiện chủ trương về tích tụ ruộng đất, Yên Mô tích tụ được trên 580 ha đất để xây dựng các mô hình: trồng cây hàng năm; trang trại, gia trại; sản xuất lúa-cá; chuyên nuôi thủy sản.
Cùng với đó, Yên Mô đã có bước chuyển tích cực trong việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại và diện tích gieo vãi. Hiện nay tỷ lệ lúa chất lượng cao và lúa nếp chiếm trên 60%, diện tích gieo vãi chiếm 62%. Các HTX nông nghiệp còn tăng cường mở rộng liên kết sản xuất, mở rộng diện tích tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa với các doanh nghiệp.
Ông Bùi Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện năm 2017, trong thời gian tới huyện Yên Mô tập trung tuyên truyền sâu rộng các văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Từ đó thay đổi căn bản tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững nhằm khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng vùng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích lúa gieo vãi, diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, nếp và mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm các cây trồng hàng hóa với các doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tạo điều kiện tối ưu để nhân dân chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi và các loại hình canh tác mới có hiệu quả kinh tế cao, tiêu thụ thuận lợi.
Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại xa khu dân cư, theo hình thức bán công nghiệp và công nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường. ở diện tích ruộng trũng, đẩy mạnh thâm canh trên diện tích đã chuyển đổi và tiếp tục chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với cấy lúa.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, vận động các hộ không có nhu cầu sử dụng đất cho thuê hoặc chuyển nhượng cho các hộ có vốn, lao động, kỹ thuật, kinh nghiệm để tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung.
Thực hiện dồn đổi quỹ đất 5% do xã quản lý, đất của các hộ không có nhu cầu sử dụng về khu vực tập trung để cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình có năng lực quản lý tổ chức thuê lại để sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao.
Hồng Giang