Vừa tranh thủ đến phiên chợ sớm để bán hết số ngô mới thu hoạch, chị Phạm Thị Thoa ở xóm 2, Ngọc Lâm, xã Yên Lâm vội vã đến lớp học nghề dạy nuôi gà do Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức tại Nhà văn hóa thôn. Chị Thoa nói, hiện tại, nhà tôi nuôi hàng chục con lợn, hàng trăm con gà. Thực ra ở nhà quê hầu như nhà ai cũng nuôi lợn, nuôi gà nên nghĩ đâu cần phải học. Thế nhưng, tham gia vào lớp học, tôi được các giảng viên cung cấp nhiều kiến thức về cách phòng, tránh dịch bệnh cho gà, cách điều trị gà bị bệnh…
Sau khi học, tôi về cải tạo lại chuồng trại để bắt tay vào chăn nuôi "chuyên nghiệp" hơn. Trước đây, vào thời điểm nông nhàn tôi chẳng có việc gì làm thêm, thành thử cuộc sống khá khó khăn. Từ nay, được học nhiều kiến thức về chăn nuôi, tôi có thể làm giàu ngay trên mảnh đất khó từ con lợn, con gà.
Xuất phát từ quan điểm "cho cần câu hơn xâu cá", những năm qua, huyện Yên Mô đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề cho người nghèo, coi đây là hướng giảm nghèo bền vững nhất. Để công tác dạy nghề mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, huyện đã lựa chọn những nghề phù hợp với nhu cầu, trình độ của người học, đồng thời gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hoặc những nghề mang lại hiệu quả đối với công việc của nhà nông.
Người lao động được học nghề theo cách "cầm tay chỉ việc", lý thuyết gắn với thực hành ngay tại đồng ruộng hoặc tại nơi sản xuất, qua đó giúp người học thu được trọn vẹn kiến thức. Công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đã tạo niềm tin và nâng cao năng lực thoát nghèo cho người nghèo.
Trong 5 năm qua, toàn huyện đã tổ chức được 44 lớp dạy nghề cho trên 1.300 lao động với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 70% với mức thu nhập bình quân từ 1,7 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng được tập trung đẩy mạnh nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân. Hiện, toàn huyện có trên 177 doanh nghiệp đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động.
Các làng nghề truyền thống cũng được quan tâm khôi phục và phát triển. Đến nay, toàn huyện có 13 làng nghề được công nhận làng nghề cấp tỉnh.
Các làng nghề truyền thống ở địa phương như: nề, mộc, thảm cói, thêu ren, làm nem chua, bún, bánh… tiếp tục hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho trên 3.500 lao động và hơn 5.000 lao động thời vụ. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 79,3% năm 2011 lên 91,54% năm 2015.
Xác định sản xuất nông nghiệp là hướng đi trọng điểm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, UBND huyện Yên Mô cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu giống cây trồng ở cả 3 vụ trong năm.
Công tác chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền, đổi thửa, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; mở rộng diện tích cấy lúa chất lượng cao tăng từ 38,5% năm 2011 lên 61% năm 2015. Tăng cường sản xuất vụ đông, tập trung theo hướng đảm bảo ăn chắc, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh phát triển các cây trồng truyền thống, các mô hình có giá trị kinh tế cao được tiếp tục nhân rộng như: lạc đông, bí xanh, ngô giống, ngô ngọt, dưa bao tử, đậu tương rau… góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Huyện cũng tập trung phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng chuyển từ hình thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại. Đến năm 2015, toàn huyện có 38 trang trại và 260 gia trại chăn nuôi, tăng gần gấp đôi so với năm 2011.
Mô hình chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp với cấy lúa và chăn nuôi, mô hình đa canh đã được hình thành các vùng tập trung tại các xã Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Thái… cho thu nhập cao hơn cấy lúa từ 2-5 lần.
Đến hết năm 2015, toàn huyện chuyển đổi được 500ha ruộng trũng sang cấy lúa kết hợp với thả cá, tăng gần 300ha so với năm 2010. Sản lượng thủy sản năm 2015 ước đạt 3.500 tấn…
Công tác tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các loại cây trồng, con nuôi mới cũng được thường xuyên quan tâm hỗ trợ nhằm giúp người dân, trong đó có người nghèo tiếp cận với các dịch vụ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất và thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được phát huy như: mô hình trồng cây phật thủ, ổi Đông Dư, nuôi vịt trời, mô hình trồng cỏ chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản, mô hình trồng gừng trong túi nilon…
Nhằm tạo điều kiện cho người dân có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, các hoạt động hỗ trợ vay vốn hộ nghèo tiếp tục được các cấp, các ngành của huyện Yên Mô đặc biệt quan tâm. Lũy kế đến cuối năm 2015, tổng số vay vốn là trên 269 tỷ đồng.
Từ các nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vốn của các hội, đoàn thể đã giúp hộ nghèo, cận nghèo có vốn để phát triển sản xuất, thay đổi phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, của các ban, ngành đoàn thể và nỗ lực vượt khó của mỗi hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Yên Mô giảm đều qua các năm. Dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ còn dưới 4,5% vào cuối năm 2015 này (theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015).
Đào Hằng