30% công trình cống dưới đê đã xuống cấp
Có mặt tại cống Khai Khẩn, xã Yên Thắng cùng với cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Yên Mô, bằng mắt thường chúng tôi nhận thấy công trình đã xuống cấp khá nghiêm trọng, rò thành mang cống, lở tường thân cống... Với tình trạng này, mùa mưa bão đến cống sẽ không còn khả năng điều tiết nước và chống lũ.
Được biết, cống Khai Khẩn xây dựng từ năm 1963 để phục vụ tưới tiêu cho diện tích 400ha đất nông nghiệp ở 2 xã Yên Thắng và Yên Hòa. Ngoài ra cống Khai Khẩn còn là công trình cấp nước tưới cho trạm bơm dã chiến và trạm bơm Khai Khẩn.
Trước mắt để khắc phục tình trạng xuống cấp, tạm thời phục vụ tưới tiêu khi mùa mưa bão đến, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tạm thời gia cố thêm 1 dàn van và cánh phai phụ ở hạ lưu cống để chống rò.
Đê cầu Hội (xã Yên Thái) là một trong 3 công trình được huyện Yên Mô xác định là công trình trọng điểm phòng chống lũ. Đây là công trình ngăn lũ trên sông Cầu Hội và bảo vệ khu dân cư Yên Thái. Tuy nhiên tuyến đê Hữu cầu Hội hiện nay đáng báo động về tình trạng xuống cấp cần sửa chữa để đảm bảo đáp ứng yêu cầu sử dụng.
Bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy khoảng 400 m chân đê bị lủng, mái đê sạt trượt nghiêm trọng vào gần mặt đê. Đặc biệt khi nước to có thuyền lớn đi qua thì mặt đê đoạn xuống cấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn cho tuyến đê và người dân sống khu vực xung quanh.
Ông Đoàn Văn Chính, thôn Từ Đường, xã Yên Thái cho biết: Mặt đê nhỏ nhưng tuyến đê hàng ngày có nhiều xe tải chạy qua nên nhanh xuống cấp. Bên cạnh đó, chân đê cũng bị sạt lở khá nhiều đoạn. Chúng tôi sống ở khu vực chân đê nên rất lo lắng, mong muốn Nhà nước sớm mở rộng mặt đê và kè lại những đoạn chân đê bị hư hỏng để người dân yên tâm hơn.
Lãnh đạo huyện Yên Mô cho biết, trên địa bàn huyện hầu hết là các công trình đê, cống dưới cấp 4, do thẩm quyền huyện quản lý. Tuy nhiên đa số các công trình cống dưới đê đều được xây dựng từ những năm 60-70 của thập niên trước nên đến nay nhiều công trình phòng chống lụt bão đã xuống cấp khá nghiêm trọng hạn chế khả năng chống lũ, lụt khi mùa mưa bão đến.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Mô, trong năm 2016 huyện đã được UBND tỉnh bố trí kinh phí là 8.900 triệu đồng để thực hiện các công trình cấp bách và khắc phục hậu quả xâm nhập mặn; hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp lắp đặt thêm 8 máy bơm vô ống phục vụ mở rộng diện tích lúa gieo vãi. Các HTX nông nghiệp đã chủ động nạo vét các kênh tiêu kết hợp với đắp bờ đảm bảo tiêu úng được an toàn.
Xây dựng phương án phòng chống lụt bão
Ông Bùi Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Qua công tác kiểm tra, huyện đã xác định 3 trọng điểm chống lũ là tuyến đê sông Cầu Hội, hồ Yên Đồng (xã Yên Thái), hồ Yên Thành (xã Yên Thắng) và các trọng điểm chống úng như Trạm bơm Khẩn, cống Hốc tiêu, Trạm bơm Yên Thái, Trạm bơm tiêu xóm 8, xã Yên Mỹ, Trạm bơm Vĩnh Lợi.
Tại tất cả các trọng điểm được xác định, huyện đã phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương đóng trên địa bàn. Trước mắt, các cống nhỏ, xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo khi mùa mưa lũ đến huyện đã tiến hành hoành triệt. Đối với những cống lớn điều tiết nước huyện đã chỉ đạo các đơn vị cử người trực 24/24 nếu có mưa bão xảy ra.
Trong điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi cực đoan, có thể xuất hiện những trận mưa lũ vượt tần suất thiết kế, nguy cơ xảy ra sự cố đối với các công trình thủy lợi rất lớn. Để chủ động ứng phó với các tình huống bão lụt có thể xảy ra trong mùa mưa bão, thời gian qua, huyện Yên Mô đã tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên, đồng thời đề ra các giải pháp, đảm bảo phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Yên Mô đã tăng cường công tác kiểm tra đê, kè, cống và các công trình thủy lợi phục vụ phòng chống thiên tai, từ đó xác định các trọng điểm và có các phương án xử lý cụ thể khi có tình huống bão, lũ xảy ra.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ. 17/17 xã, thị trấn đều thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các xã thành lập các lực lượng xung kích gồm 1.999 người và tuần tra canh gác gồm 266 người.
Các lực lượng ứng cứu hộ đê của các xã, thị trấn chịu sự điều hành trực tiếp của BCH phòng, chống thiên tai của xã, thị trấn. Khi có tình huống xảy ra BCH phòng, chống thiên tai của huyện có thể huy động đi ứng cứu cho những trọng điểm và những địa phương khác.
Các xã, thị trấn trong huyện cũng đã chuẩn bị tốt các phương tiện vật tư cần thiết để chủ động cho công tác phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các ngành chức năng, xã, thị trấn kiểm tra, tu sửa hệ thống trạm bơm trước mùa mưa bão. Qua kiểm tra cho thấy 100% trạm bơm tiêu hoạt động bình thường. Huyện đã huy động sức dân nạo vét các hệ thống kênh mương nội đồng chống tắc nghẽn, đảm bảo tưới tiêu nước cho ruộng đồng theo phương án đã xây dựng.
Nguyễn Thơm