Kết quả bước đầu thực hiện của huyện đã hướng tới việc khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng vùng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm...
Căn cứ nội dung Nghị quyết, BTV Huyện ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện với các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp chủ yếu. Kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nông nghiệp huyện Yên Mô, giai đoạn 2015-2020 gồm 22 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, thủ trưởng một số phòng, ban, ngành, đoàn thể là thành viên.
Chỉ đạo xã Yên Thái và Yên Hòa tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Đề án thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã, từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện. Đến tháng 12/2016, các xã đã hoàn thành Đề án và trình HĐND xã thông qua Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của xã giai đoạn 2017-2020 và thành lập Ban chỉ đạo của xã để triển khai, tổ chức thực hiện. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án của UBND huyện về tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện với tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2016-2020 là 7.490 triệu đồng.
Căn cứ nội dung Đề án đã được phê duyệt và nguồn ngân sách huyện, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí tập huấn, xây dựng các mô hình cây trồng mới, mô hình canh tác mới, hỗ trợ chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với cấy lúa, hỗ trợ lắp đặt máy bơm vô ống…
Đồng thời, căn cứ điều kiện đất đai, khí hậu và tập quán canh tác của địa phương, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với các sản phẩm chủ lực là lúa chất lượng cao, lạc, ngô ngọt.
Các sản phẩm chủ lực hiện đều được tiêu thụ thuận lợi: lúa chất lượng cao được tiêu thụ thông qua thương lái thu mua, tổ chức xay xát tại chỗ phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh; sản phẩm ngô ngọt, lạc đông được thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty á Châu và Công ty Thanh An. Bên cạnh các sản phẩm chủ lực, huyện xác định cây rau cần, rau rút là cây đặc sản và dự kiến lựa chọn cây chuối tây Thái Lan là cây đặc sản khi phát triển mở rộng diện tích sản xuất.
Để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2017, các ban, ngành của tỉnh, của huyện đã triển khai một số mô hình, đề tài, dự án cụ thể như: Mô hình sản xuất giống chuối mới có quy mô 1 ha ở xã Yên Nhân; mô hình trồng chuối-cá tại Yên Từ với quy mô 3 ha tại 13 hộ gia đình; mô hình trồng các loại cây ăn quả (chuối, ổi, chanh tứ quý, bưởi da xanh, bưởi Diễn…) tại các xã Yên Phong, Yên Nhân, thị trấn Yên Thịnh, Yên Mạc, Yên Thành với quy mô 5,6 ha; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ gà rừng tại xã Yên Thành; mô hình nuôi chạch đồng, chạch sụn tại xã Yên Từ và Yên Hòa với quy mô 0,82 ha; mô hình "ao nổi" tại các xã Yên Đồng, Yên Thái, Yên Thắng, Yên Hòa với quy mô 5 ha…
Sau 1 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các xã, thị trấn đã chuyển đổi được 31,2 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như: chuối, táo, ổi và các mô hình canh tác mới tập trung chủ yếu ở các xã Mai Sơn, Yên Hòa, Yên Đồng, Yên Từ, Yên Phong, Yên Thành, Yên Thái, thị trấn Yên Thịnh. Các cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với đất đai, khí hậu, kỹ thuật của địa phương.
Hiện nay cây táo, ổi, chuối đã cho thu hoạch, hiệu quả nhất là mô hình trồng chuối kết hợp nuôi cá cho thu nhập trung bình từ 300 triệu đồng/ha/năm; mô hình ổi, táo cho thu nhập 270 triệu đồng/ha/năm, các sản phẩm đều tiêu thụ rất thuận lợi.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng cuối năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đã chuyển đổi thêm 98,9 ha sản xuất lúa - cá.
Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 491,24 ha ruộng trũng sang cấy lúa kết hợp với nuôi cá, đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa cá tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa tại các xã Yên Thái, Yên Thắng, Yên Đồng... cho thu nhập cao hơn cấy lúa từ 3-5 lần.
Năm 2017, huyện đã hỗ trợ xây dựng mô hình "ao nổi" với quy mô 5 ha tại các xã Yên Thái, Yên Đồng, Yên Thắng và Yên Hòa để thâm canh thủy sản, các đối tượng nuôi trong ao nổi phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh, lớn nhanh đạt năng suất, sản lượng cao. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao cần đánh giá, nhân rộng trong những năm tiếp theo để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Thực hiện chủ trương của huyện về tích tụ ruộng đất, các hộ có vốn, kinh nghiệm, trình độ tổ chức quản lý đã thuê thêm đất ngân sách xã, thuê hoặc chuyển nhượng đất 313 của các hộ khác để sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Tính đến ngày 31/5/2017 toàn huyện đã có 713 hộ tích tụ được 582 ha đất nông nghiệp, trong đó có 325,8 ha trồng cây hàng năm (lúa, rau màu, cây ăn quả); 50,4 ha làm trang trại, gia trại; 194,7 ha sản xuất lúa-cá và 11 ha chuyên nuôi trồng thủy sản. Hộ tích tụ có diện tích lớn nhất là ông Tống Viết Lư, xã Mai Sơn với diện tích 4,0 ha. Xã Yên Đồng là xã có diện tích tích tụ lớn nhất với diện tích 113,2 ha.
Các mô hình tích tụ ruộng đất của tổ hợp tác Mai Sơn với quy mô 11 ha, tổ hợp tác rau an toàn Yên Từ với quy mô 3 ha thực hiện liên kết, sản xuất bí xanh, dưa chuột, dưa kim cô nương, dưa lưới, táo Mỹ… cho giá trị thu hoạch từ 300-350 triệu đồng/ha, các sản phẩm được tiêu thụ rất thuận lợi, các tổ hợp tác đều có kế hoạch thuê thêm đất để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Căn cứ kết quả sản xuất qua các năm, dự báo nhu cầu thị trường, bước đầu có thể khảng định mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt xuất khẩu, đậu xanh giống mới, mô hình chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa-cá, mô hình trồng chuối tây Thái Lan kết hợp với nuôi cá, mô hình trồng ổi lê Đài Loan… là những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, lao động ở địa phương, có tiềm năng phát triển mở rộng.
Tuy nhiên do hạ tầng kỹ thuật các vùng chuyển đổi còn lạc hậu, kinh phí thực hiện chuyển đổi khá lớn trong khi ngân sách huyện, ngân sách xã và khả năng của nhân dân trong huyện còn hạn chế.
Vì vậy, huyện Yên Mô mong muốn và đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí và sự chung tay, đồng hành của các doanh nghiệp nông nghiệp trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản để Yên Mô có thêm điều kiện triển khai thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đặc biệt là giới thiệu các doanh nghiệp có năng lực, uy tín liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương như lúa chất lượng cao, ngô ngọt, ớt xuất khẩu, chuối, ổi, rau an toàn, thủy sản… để người tiêu dùng biết lựa chọn.
Lý Nhân