Trong những năm gần đây, khi sản xuất nông nghiệp đã đạt tới ngưỡng về năng suất, sản lượng lương thực đảm bảo cho cả năm thì ngành nông nghiệp chú trọng nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Điều đó không những góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, tăng giá trị sản lượng, tăng thu nhập mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân. Chính vì vậy, huyện Yên Mô chỉ đạo các xã, thị trấn, bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa, đưa nhiều giống lúa mới có triển vọng vào sản xuất, cơ giới hóa các khâu… Nhờ đó, nhiều giống lúa chất lượng cao được đưa vào khảo nghiệm thành công và nhân rộng trong toàn huyện như LT2, QR1, DQ11, HT1... Nhiều đơn vị có diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ trên 70% như xã Yên Nhân, Khánh Thịnh, Yên Mạc… Cùng với đó, huyện đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, máy móc lớn vào các khâu sản xuất, đặc biệt là khâu làm đất và khâu thu hoạch. Với việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, cơ giới hóa các khâu sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác.
Trong sản xuất vụ đông xuân, huyện đã khuyến khích các đơn vị thay đổi tập quán sản xuất cũ bằng phương thức gieo thẳng để tiết giảm các chi phí và nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Vụ đông xuân năm 2014, huyện Yên Mô gieo vãi được trên 2.216 ha, chiếm 34% diện tích (tăng 12,3% so với vụ đông xuân năm 2013). Một số xã, thị trấn đã triển khai tốt và có diện tích lúa gieo vãi chiếm tỷ lệ cao là Yên Từ trên 90%, thị trấn Yên Thịnh gần 85%, Khánh Thịnh gần 84%, Yên Phong trên 77%, Khánh Dương gần 75%, Khánh Thượng gần 74%.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, phương thức gieo vãi rất nhiều ưu điểm và lợi ích cho người nông dân: Thời gian sinh trưởng của lúa gieo vãi ngắn hơn so với cấy lúa từ 7-10 ngày; tiết kiệm chi phí sản xuất do không phải làm khung, mua nilon che chắn mạ; tiết kiệm công lao động do không phải lấy bùn, gieo, chăm sóc mạ và không phải cấy. Ước tính mỗi sào giảm được 3 công lao động. Ngoài ra, thực hiện phương thức gieo vãi lúa, tiến độ sản xuất nhanh, giải quyết được vấn đề lao động thời vụ.
Việc dồn điền, đổi thửa thành công đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân triển khai tốt phương thức gieo vãi. Bà Lê Thị Tứ ở HTX nông nghiệp Đông Thượng, xã Khánh Thượng cho biết: Nói về hiệu quả sản xuất thì phương thức gieo vãi là ưu việt hơn cả và được nhân dân tích cực áp dụng. Gia đình tôi thực hiện gieo vãi lúa gần chục năm nay và diện tích lúa thực hiện gieo cấy theo phương pháp này tăng lên mỗi năm. Vụ đông xuân 2014-2015, gia đình tôi thực hiện gieo vãi toàn bộ 1,5 mẫu ruộng. So với cấy lúa, gieo vãi nhàn hơn rất nhiều, đỡ công lao động, giảm chi phí, từ đó hiệu quả sản xuất cũng tăng lên. Ví dụ, với 1,5 mẫu ruộng để đảm bảo tiến độ và khung thời vụ, gia đình tôi phải thuê cấy mất trên 2 triệu đồng tiền công. Nhưng thực hiện phương pháp gieo vãi, gia đình tôi chỉ cần 2 lao động làm trong vài ngày. Đến nay, gia đình tôi đã gieo cấy xong toàn bộ diện tích.
Kinh nghiệm sản xuất những năm gần đây cho thấy, thực hiện theo phương thức gieo vãi cũng bộc lộ một số nhược điểm như sau khi gieo vãi xong nếu gặp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, lúa dễ bị chết rét (nhất là những diện tích lúa chất lượng cao) hoặc khả năng hồi phục chậm. Bộ rễ lúa gieo vãi ăn nông trên mặt ruộng nên ở giai đoạn lúa trỗ, chín dễ bị đổ khi gặp mưa giông. Do đó, để lúa gieo vãi cho năng suất, sản lượng cao và giành thắng lợi trong vụ sản xuất đông xuân 2014-2015, huyện đã khuyến cáo bà con nông dân nên sử dụng các giống lúa lai vì bộ giống này có khả năng chịu rét tốt hơn, sinh trưởng và phát triển khỏe hơn so với các giống lúa chất lượng cao, giống lúa thuần. Về mặt kỹ thuật thâm canh, làm đất phải kỹ hơn so với làm đất cấy lúa, đất làm tơi nhuyễn, phẳng; bón lót sâu, bón phân kết thúc sớm, bón cân đối NPK; ở giai đoạn kết thúc đẻ nhánh cần rút nước phơi ruộng từ 5-7 ngày tạo điều kiện cho bộ rễ lúa ăn sâu, cứng cây, tăng khả năng chống đổ; thời vụ gieo vãi vào tiết lập xuân để lúa sinh trưởng, phát triển cùng trà với lúa cấy, trỗ bông trong tiết lập hạ để đạt năng suất cao. Khi thời tiết rét đậm, rét hại dưới 15oC thì cần triển khai các giải pháp chống rét, bảo vệ lúa: Với lúa đã gieo vãi duy trì nước ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm, có thể dùng tro bếp rơm rạ bón đều trên mặt luống để tăng khả năng chống rét; với diện tích chưa gieo, nông dân chủ động hãm mộng mạ bằng cách rải ra nền nhà, tranh thủ thời tiết ấm tiến hành gieo ngay.
Để giành thắng lợi trong vụ đông xuân, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 ngay từ khâu bố trí thời vụ sản xuất đến công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Với kế hoạch gieo cấy trên 6.500 ha lúa, nông dân huyện Yên Mô đang tích cực xuống đồng làm đất, gieo cấy khi thời tiết thuận lợi. Đến ngày 9-2, toàn huyện đã làm gần 5.000 ha đất, cấy trên 1.500 ha và gieo sạ trên 240 ha.
Bài, ảnh: Hồng Giang