Trước khi thực hiện Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xã Yên Thắng không có nhiều yếu tố thuận lợi, do là xã miền núi, địa hình không bằng phẳng, điểm xuất phát thấp, sản xuất nông nghiệp manh mún… thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Mô, Đảng bộ xã Yên Thắng đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề để các chi bộ, các tổ chức, đoàn thể tập trung chỉ đạo đoàn viên, hội viên thực hiện nghị quyết, trong đó trọng tâm là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nội dung trọng tâm của Nghị quyết được Yên Thắng triển khai cụ thể, thiết thực, như đối với nông nghiệp, Đảng bộ xã chỉ đạo đưa vào trồng những giống cây có năng suất cao, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa; đối với nông dân tập trung đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, phát triển các ngành nghề cho lao động nông thôn; vấn đề nông thôn mới là tập trung mọi nguồn lực triển khai các bước theo đề án đã được phê duyệt... Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư, kinh tế của xã liên tục tăng trưởng, tiểu thủ công nghiệp-xây dựng tăng khá; cơ sở hạ tầng được tăng cường, văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định và được cải thiện; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo… Đến nay, Yên Thắng đã đạt được 14/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2015.
Cũng như xã Yên Thắng, việc triển khai Nghị quyết 26-NQ/T.Ư ở xã Yên Thái được Đảng bộ xã tập trung chỉ đạo gắn với điều kiện thực tế ở địa phương. Đồng chí Đào Xuân Lưu, Bí thư chi bộ thôn Hậu Thôn, xã Yên Thái cho biết: Triển khai Nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ xã Yên Thái về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thôn Hậu Thôn đã quán triệt đến cán bộ, đảng viên, hội viên, lấy xây dựng nông thôn mới làm trọng tâm thực hiện. Theo đó, 100% đường làng, ngõ xóm trong thôn được chỉnh trang, nâng cấp. Nhân dân trong thôn đã đóng góp nhiều ngày công và trên 200 triệu đồng để làm 2km đường dong. Hiện thôn đang tập trung cho công tác dồn điền, đổi thửa, trước mắt tập trung cho công tác thủy lợi nội đồng. Thôn đang khảo sát và quy hoạch diện tích ruộng để thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo thành những mảnh ruộng lớn thuận lợi cho quy hoạch vùng sản xuất giống, hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, nâng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác…
Trước khi bước vào thực hiện Nghị quyết 26- NQ/T.Ư, Yên Mô có nhiều yếu tố không thuận, trong đó nổi bật là sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng phụ thuộc vào thiên nhiên; trình độ nhận thức và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nhân dân trong huyện còn hạn chế. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, trường, đường, trạm, hệ thống thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, y tế… khu vực nông thôn đã được đầu tư nhưng vẫn thiếu đồng bộ. Năm 2007, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn huyện chiếm trên 50%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm trên 31%, dịch vụ chiếm 18%. Giá trị thu hoạch trên 1ha canh tác đạt 65 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên 11%....
Trước thực tế đó, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư, Huyện ủy Yên Mô đã ban hành Chương trình hành động số 19 với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, trong đó xác định yếu tố cơ bản để thực hiện thắng lợi Nghị quyết, đó là phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tranh thủ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của cấp trên để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Huyện ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết tới tất cả các đảng bộ, chi bộ trực thuộc và các cán bộ, đảng viên. Các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đã xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Kết quả rõ nhất là huyện đã tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị, đảm bảo đời sống người dân. 5 năm qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đầu tư thâm canh để tăng năng suất các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Chú trọng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng sản xuất lúa cao sản, lúa chất lượng, sản xuất vụ đông… theo hướng thâm canh, chuyên canh, đưa giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác năm 2012 đạt gần 100 triệu đồng/năm. Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục có bước phát triển khá, với nhiều mô hình trang trại, gia trại có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tuy không phải là huyện có nhiều thuận lợi phát triển thủy sản, nhưng Huyện ủy Yên Mô đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, đưa các mô hình con nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều địa phương đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng những mô hình lúa-cá, kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt những năm gần đây, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Yên Mô đã ban hành các Nghị quyết, chương trình hành động để tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện hầu hết các xã đều có cơ sở sản xuất TTCN, chợ, trung tâm dịch vụ... giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Một số lĩnh vực, ngành nghề đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn nhiều xã trong huyện như chế biến cói, thêu ren, đan bèo bồng, sản xuất mộc dân dụng, mây tre đan, sản xuất vật liệu xây dựng…. Năm 2012, doanh thu từ CN-TTCN toàn huyện đạt 163 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với thời điểm năm 2008.
Đặc biệt, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 2 về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Huyện ủy, đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Hiện đường bê tông đã đến tất cả các trung tâm xã; 16/17 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 75% trường học đạt chuẩn quốc gia; 98% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 9%. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2013 ước đạt 16,4 triệu đồng/người/năm (tăng 2,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2008)…
Đồng chí Bùi Thành Đông, Bí thư Huyện ủy Yên Mô cho biết: Bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn tại huyện Yên Mô, đó là: Cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong việc đề ra các chủ trương, giải pháp để tổ chức thực hiện Nghị quyết, nhất là những vấn đề về lao động và quản lý quy hoạch, trong đó việc huy động nguồn lực phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và của người dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cần đặc biệt quan tâm đến khâu sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội và tăng thu nhập cho người dân, đồng thời xác định được lợi thế, thế mạnh của địa phương để tập trung, khuyến khích, áp dụng KHKT đẩy mạnh phát triển. Quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, các gia đình có công với cách mạng, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bên cạnh việc tranh thủ nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, của huyện, việc huy động nguồn lực từ nhân dân phải đảm bảo hài hòa, công khai, dân chủ, ưu tiên đầu tư các công trình, dự án phục vụ cho sản xuất, đời sống người dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…
Mỹ Hạnh