Cách đây 5 năm, đường vào thôn 4, xã Mai Sơn là 1 trong những thôn xa trung tâm xã, đường sá đi lại rất khó khăn bởi không chỉ nhỏ, hẹp mà cốt đường thấp, lầy lội, bụi bẩn; nhưng giờ đây, con đường đã được mở rộng, xe cơ giới có thể đi lại dễ dàng. Người dân trong thôn vô cùng phấn khởi, tự hào vì đã góp công, góp của xây dựng đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.
Với gia đình bà Nguyễn Thị Diễm, một hộ dân hiến nhiều đất nhất thôn 4 để mở đường thì dường như niềm vui ấy nhân lên gấp nhiều lần. Bà Diễm vui vẻ cho biết: Khi được Ban vận động thôn tuyên truyền, vận động hiến đất, hiến tài sản, đóng góp công, của làm đường giao thông, gia đình tôi hưởng ứng ngay.
Ngoài hiến gần 100 m2 đất, tự nguyện chặt cây ăn quả lâu năm, gia đình tôi còn đóng góp hàng triệu đồng và nhiều ngày công làm đường giao thông nông thôn. Toàn thôn 4 đã có gần 40 hộ dân tham gia hiến trên 2 nghìn m2 đất và tự phá dỡ tường rào, các công trình phụ, cây ăn quả, hoa màu để làm đường giao thông theo đúng quy chuẩn, do đó, chỉ trong một thời gian ngắn con đường bê tông kiên cố đã được hoàn thành.
Trên địa bàn huyện Yên Mô còn rất nhiều hộ tiên phong hiến đất, hiến tài sản như gia đình bà Nguyễn Thị Diễm, góp phần nhân lên khí thế sôi nổi trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Với nguồn hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự tham gia hiến đất, tài sản trên đất, hiến công, hiến kế của các tầng lớp nhân dân, 5 năm qua, toàn huyện đã làm được trên 365 km đường giao thông, trong đó có hơn 40 km đường trục xã, liên xã, trên 195 km đường giao thông thôn, xóm và gần 130 km đường trục chính nội đồng, 70,2% đường giao thông đạt chuẩn.
Ngoài ra, phong trào dồn điền, đổi thửa, thực hiện quy hoạch được thực hiện rộng khắp ở các địa phương. Sau 2 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng cao và tự nguyện hiến trên 177 ha đất nông nghiệp, đóng góp gần 40 tỷ đồng để chỉnh trang, nâng cấp hơn 1 nghìn tuyến đường giao thông, trên 1.300 tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài 650 km. Đến nay, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Sau dồn điền, đổi thửa, bình quân số thửa/hộ toàn huyện còn dưới 2 thửa/hộ, là điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Từ thực hiện quy hoạch và dồn điền, đổi thửa, hầu hết các xã đã có quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới và có quỹ đất để thực hiện chuyển quyền sử dụng đất làm nguồn vốn, quỹ tiếp tục xây dựng các công trình như: trường học, sân vận động, nhà văn hóa, trạm y tế…
Thành công trong huy động nguồn lực xây dựng đường giao thông, tham gia hiến kế, hiến công thực hiện quy hoạch đã góp phần quan trọng giúp Yên Mô thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, toàn huyện đã huy động và thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí trên 1.207 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước gần 300 tỷ đồng, còn lại phần lớn do nhân dân và doanh nghiệp đóng góp.
Đồng chí Lê Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Sau 5 năm triển khai, Yên Mô có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 12 tiêu chí/xã (tăng 7 tiêu chí so với năm 2011). Kinh nghiệm rút ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới cho thấy, cần sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể, nhân dân.
Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động. Đồng thời coi trọng chỉ đạo điểm và xây dựng mô hình để rút kinh nghiệm và làm nơi tham quan học tập cho cán bộ và người dân thì sức thuyết phục cao hơn. Nêu cao vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, bởi cán bộ nào phong trào đấy.
Cùng với đó, khi huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới phải cân đối để vừa đảm bảo thực hiện được mục tiêu, vừa huy động được sức dân và nguồn lực khác tại địa phương…
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Huân, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và độ đồng đều giữa các xã của huyện. Để đạt được mục tiêu từ năm 2016-2020, mỗi năm phấn đấu có thêm từ 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới trở lên; đến cuối năm 2020, phấn đấu có từ 9 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới và các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên, Yên Mô đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể triển khai thực hiện.
Theo đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; tiếp tục củng cố, kiện toàn, hoàn thiện hệ thống chính trị theo định hướng xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, nhất là công khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện đến từng xã để cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác, tích cực tham gia, phát huy vai trò người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời tranh thủ tối đa sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh theo Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020 và sự hỗ trợ của huyện; khuyến khích, huy động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, con em quê hương, huy động nội lực, vận động nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"....
5 năm, thời gian chưa dài, song với khối lượng công việc lớn, với điều kiện còn gặp nhiều khó khăn như huyện Yên Mô thì đây là kết quả đáng ghi nhận của huyện. Những bài học kinh nghiệm ở Yên Mô trong xây dựng nông thôn mới hôm nay sẽ tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới, để huyện quyết tâm thực hiện có kết quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đề ra.
Mỹ Hạnh