Tới thăm ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Nguyễn Đình Nhớ ở xóm Tam Dương, xã Khánh Dương khi vẫn còn thơm mùi vữa. Nén xúc động, ông Nguyễn Đình Nhớ, nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam chia sẻ, vợ ông mất từ năm 1993, để lại cho ông 5 đứa con thơ dại, đứa nhỏ nhất mới tròn 2 tuổi, trong đó có đứa con gái thứ tư bé bỏng, tật nguyền do bị nhiễm chất độc da cam từ ông. Một mình "gà trống nuôi con", nhìn con cái lớn khôn mỗi ngày, mọi vất vả trong ông đều tan biến. Lần lượt các con ông cũng lập gia đình và có mái ấm hạnh phúc. Nhưng bất hạnh dường như chưa buông tha cho cô con gái tật nguyền của ông, khi cô bất đắc dĩ trở thành mẹ đơn thân. Ngày đưa cô con gái bị câm điếc đi sinh nở, ông Nhớ quặn thắt khi chứng kiến con gái mình cố vượt lên giữa lằn ranh sinh tử để giành sự sống cho con và cho bản thân. Thương con, ông không một lời trách móc rồi lại tận tay chăm sóc cho con gái và đứa cháu ngoại còn đỏ hỏn.
Đến nay, cháu ngoại ông cũng chuẩn bị vào lớp 1. Bố con, ông cháu đùm bọc nhau sống trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. "Tôi là trưởng họ, vì vậy anh em trong dòng họ tạo điều kiện cho tôi sống nhờ và trông coi nhà thờ họ luôn. Đến đầu năm 2018, gia đình tôi được Nhà nước, bà con làng xóm, anh em họ hàng hỗ trợ xây mới ngôi nhà với diện tích 35m2. Tuổi tôi ngày một cao, sức khỏe kém đi nhiều. Nhưng bây giờ thì tôi yên tâm lắm, nếu không may có sớm "đi" theo bà ấy thì con gái và cháu ngoại tôi cũng có chỗ ở kiên cố rồi"- ông Nhớ xúc động chia sẻ.
Cách nhà ông Nhớ không xa là gia đình nạn nhân bị nhiễm gián tiếp chất độc da cam Phùng Văn Hưng. Anh Hưng bị câm, điếc bẩm sinh nhưng cũng lập gia đình và sinh 2 người con. Dù khuyết tật nặng, nhưng hàng ngày anh Hưng vẫn cố gắng phụ giúp việc nhà để vợ đi làm công nhân nuôi con ăn học. Chẳng bao giờ vợ chồng anh Hưng dám nghĩ có ngày gia đình được sống trong một ngôi nhà khang trang, kiên cố, bởi vậy món quà là ngôi nhà mới mà một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện và bà con làng xóm, họ hàng chung tay gom góp trao tặng thực sự trở thành niềm vui quá lớn, động viên kịp thời giúp vợ chồng anh tiếp tục vượt khó vươn lên.
Ông Đỗ Xuân Trúc, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Yên Mô cho biết, hiện nay, toàn huyện có 339 nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin, trong đó có 223 nạn nhân bị nhiễm trực tiếp, 176 nạn nhân gián tiếp. Đa số nạn nhân trực tiếp bị nhiễm chất độc hóa học đều có độ tuổi khá cao, sức khỏe yếu và nhiều người có con, cháu bị dị dạng, dị tật, không chủ động được trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người bị mắc bệnh nan y, trong khi đó đời sống còn nhiều khó khăn, chi phí khám, chữa bệnh khá lớn.
Do đó, từ nhiều năm nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện huy động nguồn lực chăm lo cả về vật chất và tinh thần cho các nạn nhân da cam. Trong 5 năm qua, Hội đã vận động được trên 2 tỷ đồng hỗ trợ cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, trong đó dành hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ hội viên có khó khăn về nhà ở. Từ năm 2016 đến nay, đã hoàn thiện và bàn giao 23 ngôi nhà mới cho các hội viên, trong đó có 12 ngôi nhà được xây dựng từ những tấm lòng hảo tâm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân với mức hỗ trợ từ 50-100 triệu đồng. Một số doanh nghiệp rất tích cực tham gia hỗ trợ nạn nhân da cam như: Trung tâm dầu khí, Doanh nghiệp Quang Dũng, Công ty TNHH Gia Huy… Ngoài ra, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp phát động phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin". 5 năm qua, Hội đã huy động được trên 6 nghìn suất quà tặng cho hội viên nạn nhân da cam.
Không chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi, tặng quà, Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin huyện còn đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, Hội đã tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế và đánh giá khả năng lao động của các hội viên, từ đó đưa ra hướng hỗ trợ cụ thể, phù hợp. Đối với những người còn sức khỏe, Hội tạo điều kiện để hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Từ đầu năm tới nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin huyện đã tạo điều kiện cho 5 hội viên vay vốn với tổng số tiền 36 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội cũng dành 4 suất học bổng, mỗi tháng 500 nghìn đồng cho con em của nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên đạt thành tích cao trong học tập…
Không chỉ làm tốt công tác chăm lo cho hội viên, Hội còn thực sự trở thành "cầu nối" giữa những tấm lòng hảo tâm đến với những hoàn cảnh hội viên đặc biệt khó khăn. Theo đó, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân da cam bằng nhiều hình thức như: khám, tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí, dạy nghề, tạo việc làm cho những nạn nhân còn sức khỏe…, qua đó tiếp thêm nghị lực, niềm tin để các nạn nhân da cam khác chiến thắng nỗi đau bệnh tật, vượt qua nghịch cảnh của bản thân, vươn lên ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng