Theo đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Yên Mô bước vào sản xuất vụ mùa năm nay với nhiều thuận lợi để đạt được mục tiêu đã đề ra. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ, phương thức gieo cấy đã tạo thành tập quán sản xuất; trình độ hiểu biết, kinh nghiệm thâm canh của các hộ nông dân đã được nâng lên. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, phân bón được áp dụng làm tăng năng suất cây trồng. Cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp đã và đang được củng cố như: Kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn… tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất.
Vụ lúa mùa năm 2009, Yên Mô tiếp tục sử dụng cơ cấu giống lúa, trà lúa phù hợp với điều kiện đồng đất địa phương. Trong đó, cơ cấu chủ lực là các giống lúa cao sản như Phú ưu 1, Phú ưu 987, CNR 5104... chiếm 45% diện tích. Lúa thuần 25,1% diện tích với các giống KD18, Q5... Đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích lúa chất lượng cao như LT2, LT3, Bắc thơm số 7 lên 25,1% diện tích.
Về cơ cấu, trà lúa mùa sớm là 5.280,6 ha, chiếm 79,2% tổng diện tích gieo cấy, Yên Mô xác định đây là trà lúa có ý nghĩa quyết định để mở rộng diện tích vụ đông nên các xã, thị trấn đã có kế hoạch chỉ đạo kiên quyết ngay từ khi gieo mạ và quy hoạch vùng. Theo đó, trên các chân ruộng vàn, vàn cao, vùng màu được bố trí gieo cấy trà mùa sớm để có quỹ đất làm vụ đông, trên các chân ruộng thấp, vùng đồng chiêm trũng thuộc các xã Yên Đồng, Yên Thái, Yên Thành, Yên Thắng… thu hoạch trước ngày 25-9 để tránh lụt cuối vụ.
Để lúa phát triển đều, hạn chế sâu bệnh gây hại, huyện đã chỉ đạo cho các HTX nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân thực hiện bón lót sâu, bón thúc sớm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới các hộ nông dân nên giảm bớt 1-2 kg đạm, thay thế bằng kali tại những vùng ruộng trũng, tăng cường sử dụng các loại phân bón tổng hợp NPK chuyên dùng.
Với phương châm phòng bệnh là chính, Yên Mô rất coi trọng công tác dự tính, dự báo sâu bệnh, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại lúa, diệt trừ kịp thời các ổ sâu bệnh mới phát sinh. Tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phun thuốc theo nguyên tắc "4 đúng", đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Hướng tới một vụ lúa mùa đạt năng suất và chất lượng cao, các HTX nông nghiệp ở Yên Mô đã chủ động xây dựng đề án và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sản xuất. Hiện nay, tại các xã vùng đồng chiêm trũng như Yên Hòa, Yên Thái, Yên Đồng, Yên Mỹ..., bà con nông dân đã bắt đầu xuống đồng cấy lúa mùa.
Đồng chí Phạm Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thái cho biết, là một xã đồng chiêm trũng nên Yên Thái luôn là một trong những địa phương xuống đồng cấy lúa mùa đầu tiên của huyện Yên Mô. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên việc thu hoạch lúa đông xuân nhanh, gọn tạo điều kiện cho công tác làm đất và chuẩn bị các điều kiện cho gieo cấy lúa mùa.
Kinh nghiệm tại Yên Thái cho thấy, trà lúa mùa sớm bao giờ cũng "chắc ăn" hơn so với lúa mùa trung bởi đồng đất ở đây trũng nên thường xuyên bị lụt và sâu bệnh cũng diễn biến phức tạp vào cuối vụ. Vì vậy, vụ mùa năm nay xã đã xây dựng cơ cấu 100% trà lúa mùa sớm, từ ngày 15-6, nông dân Yên Thái đã xuống đồng cấy lúa mùa, phấn đấu sẽ cấy xong trước ngày 30-6.
Quốc Khang