Đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện chia sẻ: Để "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" không còn là việc mới song cũng chưa khi nào dễ dàng bởi tập quán canh tác, bởi thói quen sản xuất và đôi khi còn bởi lợi nhuận trước mắt dễ làm người nông dân lơ là với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiểu được điều đó nên ngay từ khi bắt tay thực hiện Đề án, chúng tôi đã đề ra các giải pháp đồng bộ, trong đó dành sự ưu tiên hàng đầu cho công tác tuyên truyền, còn trong quá trình triển khai sẽ chú trọng hỗ trợ hội viên một cách toàn diện.
Được biết, thời gian vừa qua, Hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách và các quy định pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến nông sản an toàn trong các hội nghị, sinh hoạt chi hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cấp Hội cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, hướng dẫn cho nông dân sử dụng đúng quy định, kỹ thuật thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và phân bón trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đáng chú ý trong năm 2017, thông qua chương trình phối hợp với Ban Kinh tế - xã hội (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức hội nghị tập huấn trồng rau an toàn cho 50 hội viên nông dân xã Yên Từ, tập huấn kỹ thuật sử dụng tấm đệm lót sinh học trong chăn nuôi cho 100 hội viên nông dân xã Khánh Thịnh và triển khai mô hình sử dụng tấm đệm lót sinh học trong nuôi gà tại 2 hộ hội viên nông dân làm điểm để nhân diện. Đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các xã tổ chức chuyển giao KHKT về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, thâm canh lúa, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đã tổ chức và phối hợp tổ chức 181 buổi chuyển giao KHKT cho 16.915 lượt hội viên, nông dân tham dự... Cùng với đó, các cấp Hội phát động phong trào rộng khắp trong nông dân về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng; tổ chức cho hội viên, nông dân đăng ký, cam kết thực hiện sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn.
Mặt khác, các cấp Hội duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ứng dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; mô hình tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; giám sát các hộ nông dân trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, chế biến bảo đảm an toàn nông sản thực phẩm… Để làm được điều này, các cấp Hội nông dân trong huyện đã tích cực vận động tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân, năm 2017 toàn huyện tăng trưởng được 125,1 triệu đồng. Trong đó có 50 triệu đồng nguồn ngân sách của huyện cho 3 hộ hội viên nông dân xã Khánh Thượng vay thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt. Đồng thời tiến hành giải ngân thực hiện dự án "Chăn nuôi bò sinh sản" và "Nghề mộc dân dụng" với số tiền 900 triệu đồng cho 26 hộ ở xã Yên Hưng, Yên Lâm và Yên Mỹ. Tiếp nhận 500 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn Trung ương thực hiện dự án "Nuôi cá nước ngọt theo hướng thâm canh" cho 10 hộ hội viên nông dân xã Yên Đồng… Hiện toàn huyện có 17 mô hình nông dân nói không với thực phẩm bẩn. Đồng thời thành lập được 17 tổ hợp tác với 292 thành viên sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ; thành lập được 13 tổ hợp tác gồm 292 thành viên với các loại hình kinh doanh về trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, trồng nấm, thêu ren, gỗ mỹ nghệ, cây ăn quả. Nhiều mô hình tiêu biểu được hội viên nông dân các địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, điển hình như mô hình làm mộc nhĩ và các loại nấm của hội viên Nguyễn Văn Quyên, xã Yên Phong; mô hình trang trại tổng hợp của hội viên Phan Văn Miền, xã Yên Mạc; mô hình trồng các cây nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao của hội viên Nguyễn Đức Đông, Tống Viết Lư ở xã Mai Sơn, hội viên Phạm Văn Bồn ở xã Yên Đồng…
Đào Duy