Với người dân xã Yên Phong, huyện Yên Mô thì năm 2017 là một năm đáng nhớ với nhiều nỗ lực vượt bậc trong công tác giảm nghèo. Ông Trần Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong phấn khởi chia sẻ, bước vào năm 2017, xã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%. Và theo kết quả rà soát hộ nghèo vừa qua thì mục tiêu này đã được Đảng bộ và nhân dân xã Yên Phong hoàn thành vượt mức.
Theo kinh nghiệm của xã Yên Phong, để làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo thì việc nắm chắc số hộ nghèo, nguyên nhân đói nghèo là khâu rất quan trọng, từ đó mới đưa ra các phương án hỗ trợ phù hợp để người nghèo vươn lên. Chia sẻ về nguyên nhân tỷ lệ nghèo cao vào những năm 2010-2013, ông Trần Văn Dung cho biết, kinh tế của Yên Phong chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do điều kiện để phát triển sản xuất lại không thuận lợi, ruộng đất manh mún… nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa năng suất cao vào canh tác còn hạn chế, năng suất, thu nhập từ đồng ruộng thấp, trong khi đó việc làm thêm lúc nông nhàn cho người dân hầu như bỏ ngỏ, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xã còn quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Theo đó, xã đã căn cứ vào thế mạnh của địa phương và nhu cầu của người lao động để đưa vào dạy nghề đan cói, đan bèo bồng. Đến nay, nghề vẫn được duy trì với trên 500 lao động làm nghề thu nhập bình quân từ 2-4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt là những người già, người khuyết tật đều có thể làm được nghề để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đối với lao động trẻ, xã đưa vào dạy nghề may công nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, người lao động có nhiều cơ hội để tìm việc làm ổn định với mức thu nhập cao hơn ở các công ty, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thị trấn hoặc vài vùng lân cận. Ngoài ra, toàn xã có khoảng 600-700 lao động đi làm nghề thợ xây với mức lương khá tốt… Với nỗ lực đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,48%.
Xuất phát từ quan điểm "cho cần câu hơn xâu cá", những năm qua, huyện Yên Mô đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề cho người nghèo, coi đây là hướng giảm nghèo bền vững nhất. Để công tác dạy nghề mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, huyện đã lựa chọn những nghề phù hợp với nhu cầu, trình độ của người học, đồng thời gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hoặc những nghề mang lại hiệu quả đối với với công việc của nhà nông. Người lao động được học nghề theo cách "cầm tay chỉ việc", lý thuyết gắn với thực hành ngay tại đồng ruộng hoặc tại nơi sản xuất, qua đó giúp người học tiếp thu được trọn vẹn kiến thức. Công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đã tạo niềm tin và nâng cao năng lực thoát nghèo cho người nghèo. Trong năm 2017, huyện đã thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện giới thiệu, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Trong năm 2017, huyện đã tổ chức được 5 lớp dạy nghề cho 142 lao động. Ngoài ra, trên 1.700 lao động được các doanh nghiệp, tổ sản xuất, kinh doanh trực tiếp đào tạo, qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 42%. Cùng với đó, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng được tập trung đẩy mạnh nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân. Toàn huyện có trên 177 doanh nghiệp đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. Các làng nghề truyền thống cũng được quan tâm khôi phục và phát triển. Đến nay, toàn huyện có 13 làng nghề được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Các làng nghề truyền thống ở địa phương như: nề, mộc, thảm cói, thêu ren, nem chua, bún bánh… tiếp tục hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho trên 3.500 lao động và hơn 5000 lao động thời vụ. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 79,3% năm 2011 lên trên 90% năm 2017. Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng được huyện quan tâm đúng mức. Theo đó, huyện Yên Mô đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các hội nghị tuyên truyền về XKLĐ, đồng thời tạo mọi điều kiện để người lao động tiếp cận với các nguồn vốn vay đi XKLĐ. Đến nay, toàn huyện đã có 112 người đi XKLĐ, vượt chỉ tiêu được giao.
Tư vấn cho nông dân cách làm nghề nông hiệu quả cũng là một cách làm mới, mang lại nhiều hiệu quả ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Yên Mô. Theo đó, xác định sản xuất nông nghiệp là hướng đi trọng điểm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, UBND huyện Yên Mô cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu giống cây trồng ở cả 3 vụ trong năm. Công tác chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao tăng từ 38,5% năm 2011 lên trên 60% năm 2017. Đến hết năm 2017, toàn huyện chuyển đổi được trên 500ha ruộng trũng sang cấy lúa kết hợp với thả cá. Sản lượng thủy sản năm 2016 ước đạt gần 4.000 tấn… Công tác tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các loại cây trồng, con nuôi mới cũng được thường xuyên quan tâm hỗ trợ nhằm giúp người dân, trong đó có người nghèo tiếp cận với các dịch vụ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất và thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, các hoạt động hỗ trợ vay vốn hộ nghèo tiếp tục được các cấp, các ngành của huyện Yên Mô đặc biệt quan tâm. Riêng trong năm 2017, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tạo điều kiện cho 70 hộ vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, từ các nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vốn của các hội, đoàn thể đã giúp hộ nghèo, cận nghèo có vốn để phát triển sản xuất, thay đổi phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vượt khó của mỗi hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Yên Mô giảm đều qua các năm. Theo kết quả điều tra, rà soát sơ bộ hộ nghèo năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 5,7% (đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 13,33%) n
Đào Hằng