Đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Mô cho chúng tôi biết: Bắt đầu từ năm 2002, huyện Yên Mô có chủ trương chuyển diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Mô hình đầu tiên được xây dựng với quy mô 11 ha tại khu ao cá cũ ở HTX Vân Trà (xã Yên Thắng). Toàn bộ diện tích của các hộ được hướng dẫn cải tạo theo đúng yêu cầu kỹ thuật, ngoài các con nuôi truyền thống còn thả thêm 2 loại cá mới là: cá chim trắng và cá chép lai 3 máu. Những diện tích này chỉ cấy một vụ lúa xuân, vụ mùa thâm canh lúa tái sinh.
Ngoài sử dụng các loại thức ăn tự nhiên, các hộ còn cho cá ăn bổ sung các loại phế phẩm nông nghiệp như cám gạo, cám ngô và phân hữu cơ. Nhiều hộ còn nuôi lợn, gia cầm để tăng thêm thu nhập và bổ sung nguồn phân hữu cơ để nuôi cá. Kết quả thu hoạch cuối năm 2002 cho thấy, năng suất lúa bình quân đạt 59 tạ/ha và trong suốt cả vụ không phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Năng suất cá bình quân đạt 1,2 tấn/ha, nhiều hộ đầu tư thêm thức ăn tinh cho thu hoạch 1,7 - 1,8 tấn cá/ha.
Giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác từ 16 - 17 triệu đồng/ha/năm đã nâng lên 25 - 26 triệu đồng/ha/năm, trong khi chi phí cho sản xuất lúa giảm đi từ 10 - 15% so với không thả cá.Trên cơ sở kết quả đã đạt được, phong trào chuyển đổi ruộng trũng sang mô hình lúa - cá đã phát triển rộng ở các thôn xóm trên địa bàn xã Yên Thắng và các xã Yên Đồng, Yên Thái...
Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 174 ha sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản và xây dựng trang trại V.A.C.R, giá trị thu nhập cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với cấy lúa. Nhiều hộ áp dụng các biện pháp thâm canh, ngoài thu hoạch lúa đạt 11 tấn/ha/năm, còn thu hoạch thêm 4-5 tấn cá/ha, giá trị thu nhập đạt 70 - 80 triệu đồng/ha/năm.
Qua khảo sát cho thấy, mô hình chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả được phát triển theo hai loại hình: luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ cá và chăn nuôi trên bờ chiếm 30% diện tích đã chuyển đổi và xen canh 2 vụ lúa, 1 vụ cá, chiếm 70% diện tích đã chuyển đổi. Loại hình canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ cá và kết hợp chăn nuôi trên bờ, tập trung chủ yếu ở 2 xã: Yên Đồng và Yên Thắng. ở loại hình này, các hộ chỉ sản xuất 1 vụ lúa xuân, sau đó để lúa tái sinh vụ mùa, năng suất lúa xuân đạt bình quân 60 tạ/ha, lúa tái sinh đạt 1,9 tấn/ha. Diện tích chuyển đổi này có hiệu quả kinh tế cao nhất, các biện pháp kỹ thuật được áp dụng tương đối đồng bộ và phát huy được mối quan hệ tương hỗ giữa các yếu tố sản xuất.
Tuy nhiên, đầu tư ban đầu khá lớn vì các hộ đều xây chuồng nuôi lợn và gia cầm trên bờ; bờ bao được xây dựng chắc chắn đảm bảo trong mùa mưa bão, kết hợp trồng cỏ tận thu trong chăn nuôi. Bên cạnh việc sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp và phân hữu cơ cho cá ăn, các hộ còn sử dụng thêm thức ăn tinh và cám công nghiệp, do vậy năng suất cá ở các diện tích này đạt cao.
Loại hình xen canh 2 vụ lúa, 1 vụ cá tập trung đối với các hộ có diện tích ít và khả năng kinh tế còn hạn hẹp, ít lao động. Các hộ chỉ xây dựng nhà tạm để trông coi, chưa xây dựng lán trại chăn nuôi mà chỉ chăn nuôi gia cầm trên bờ với số lượng ít. Hàng ngày, các hộ vận chuyển phân hữu cơ từ gia đình ra cho cá ăn và bổ sung thêm các phụ phẩm nông nghiệp, không sử dụng thức ăn công nghiệp.
Từ kết quả thu được những năm qua cho thấy, việc chuyển đổi ruộng trũng theo mô hình cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản là đúng hướng và có hiệu quả; giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích tăng từ 1,5 - 2 lần, chi phí cho sản xuất lúa giảm đi do ít hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm so với ruộng không thả cá; đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và là một cách thức làm giàu hiện nay của nhân dân các xã vùng chiêm trũng.
Hương Giang