Với mục tiêu trang bị cho người lao động có kiến thức cơ bản về kỹ năng nghề và khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, từ khi được thành lập tháng 12-2007 đến cuối năm 2008, Trung tâm đào tạo nghề huyện Yên Mô đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề cho người lao động được gắn trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, từng ngành, từng doanh nghiệp, trong đó huyện ưu tiên đào tạo những ngành, nghề sản xuất bằng nguyên, vật liệu tại chỗ, sản xuất sản phẩm nội địa, dễ tiêu thụ, phù hợp với trình độ sản xuất của địa phương.
Năm 2008, Trung tâm phối hợp với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho 2.021 lao động nông thôn. Năm 2009, huyện Yên Mô có kế hoạch đào tạo nghề cho 1.350 lao động, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn đạt trình độ sơ cấp 700 người; dạy nghề thường xuyên và chuyển giao kỹ thuật cho 650 người. Để đạt được con số này, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cụ thể, rà soát từng đối tượng tham gia học nghề tại địa phương gồm: lao động nông thôn trong độ tuổi chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề, đủ điều kiện xét tuyển vào các khóa học nghề ngắn hạn tại xã, cụm xã. Đặc biệt ưu tiên những lao động bị mất đất sản xuất do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lao động diện gia đình chính sách, lao động nữ và lao động chưa có việc làm. Bố trí đào tạo nghề hợp lý để sau khi học xong các học viên có thể tự đầu tư vốn mở hiệu kinh doanh hoặc tham gia làm việc tại các cơ sở sản xuất chế biến ngay tại địa phương.
Cấp ủy Đảng, chính quyền có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vốn vay ưu đãi để khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ hợp trên địa bàn phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng phát triển kinh doanh dịch vụ trên địa bàn để thu hút lao động. Trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp tại các xã, thị trấn và hỗ trợ phát triển ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.Tập trung đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề có thế mạnh sử dụng lao động tại địa phương, ngành nghề mới như: nghề may, thảm cói, thêu ren, gốm, đồ mộc, chế biến nông sản, gạch đất nung (tuynel), khai thác đá xây dựng, sản xuất đá mỹ nghệ… nhằm tạo việc làm cho nhiều đối tượng tham gia.
Hiện nay trên địa bàn huyện đang duy trì các lớp học nghề như: nghề chế biến các sản phẩm từ cói, bèo, mây tre đan, nghề thêu ren, nghề tết bện lúa non xuất khẩu, nghề đan cói, bèo, nghề trồng nấm, chế tác đá… Đây là điều kiện để huyện tiếp tục đào tạo và phát triển thành làng nghề tại các xã này. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này, ngay từ những tháng đầu năm 2009 huyện đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, các trường, trung tâm đào tạo nghề tổ chức tư vấn, tuyên truyền và trực tiếp tuyển dụng nhiều lao động. Công tác đào tạo nghề gắn với phát triển nguồn nhân lực nông thôn của huyện đã góp phần giảm được số lao động dư thừa và chuyển đổi được một số lượng lớn lao động nông thôn sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Theo đồng chí Đỗ Thanh Nghị, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Yên Mô: Thực hiện đề án giải quyết việc làm từ nay đến năm 2010, Yên Mô tăng cường điều tra, nắm bắt thông tin về nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của người lao động, tư vấn lựa chọn ngành nghề, nắm bắt các nhu cầu tuyển dụng của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh làm cầu nối cung cấp thông tin về thị trường lao động. Trong đó chú trọng những ngành nghề mũi nhọn ở địa phương, đào tạo nghề phục vụ cho xuất khẩu lao động; xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với chương trình giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường trách nhiệm của UBND xã và các đoàn thể có liên quan trong việc giám sát, giúp học viên tổ chức sản xuất, dạy nghề gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: Vân Anh